Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được xác định là một trong ba biện pháp trọng tâm để tái cơ cấu kinh tế (cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng). Trong đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một nội dung quan trọng của quá trình này, nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, trong “bức tranh” chung, còn xảy ra vấn đề thất thoát, tham nhũng, lãng phí công sản, chủ yếu do có sai phạm, yếu kém khi thực hiện cổ phần hóa và quản lý sau cổ phần hóa.
Công sản bị lãng phí, thất thoát
Hãng Phim truyện Việt Nam sau 6 năm cổ phần hóa có cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp. Do sai phạm chưa được giải quyết, gần 5.500m2 “đất vàng” nằm cạnh hồ Tây thuộc trụ sở của hãng có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang chịu cảnh hoang tàn, lãng phí.
Điểm lại lịch sử, tháng 6-2017, trong quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất quá trình mua lại Hãng Phim truyện Việt Nam, sở hữu 65% cổ phần tại đây và trở thành cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, ít tháng sau, đội ngũ nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần phản ứng gay gắt do bị chậm trả lương…
Tháng 9-2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, việc cổ phần hóa hãng phim còn một số hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể như: Ban chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để công ty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế, sai sót như: Chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược; xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh; nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Bên cạnh đó, việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của hãng phim…
Gần nhất, ngày 28-3-2023, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 101/TB-VPCP về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, cũng như các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.
Ngoài Hãng Phim truyện Việt Nam, tại Kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30-5-2023 về việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tại 10 công ty mẹ - tổng công ty, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) là hơn 5.690 tỷ đồng. Các doanh nghiệp như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền thiếu khoảng 1.879 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong 10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1.348.172m2 đất, nhưng quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều đáng nói, một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất của địa phương…
Cơ quan chức năng chỉ rõ, 3 trong 5 dạng sai phạm điển hình được cơ quan chức năng chỉ ra sau khi thực hiện các cuộc thanh tra về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 là: Sai phạm trong việc xử lý tài chính của các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa; việc định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa còn chưa đầy đủ; cổ phần hóa doanh nghiệp sai.
Còn nhiều kẽ hở
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, quản lý đất công có nhiều kẽ hở cả về quy định và việc vận dụng, chấp hành luật pháp. Trên thực tế, ngân sách nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; do trốn thầu hoặc tình trạng lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất, kể cả cấp trung ương, lẫn địa phương.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, thất thoát tài sản công, đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không chỉ bởi định giá thấp, mà còn có tình trạng chuyển sở hữu, “tư nhân hóa ngầm” đất công thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lãi lỗ, thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân bằng “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá.
Ngoài ra, việc pháp luật không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là một trong những kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đặc biệt là khi dự án đất ở những vị trí đắc địa.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, “lỗ hổng” đáng nói nhất trong quản lý và sử dụng đất công chính là giá đất do Nhà nước xác định, gồm khung giá đất, bảng giá đất cụ thể, không sát thị trường. Mặc dù Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã đưa ra các giải pháp cụ thể hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, cơ chế xác định giá đất, trong đó bỏ khung giá đất; song việc sử dụng khung giá đất nhằm xác định giá đất đã được thực hiện trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, bản chất cổ phần hóa là bán cổ phần của doanh nghiệp chứ không phải bán đất. Tuy nhiên, trên thực tế trước đây, nhiều nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần doanh nghiệp không phải vì hiệu quả hay triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, mà chủ yếu là vì đất đai và trông chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đáng chú ý, phân tích rõ hơn về lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất, cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho biết, pháp luật chưa có quy định, hướng dẫn về giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Quyền thuê đất của nhà nước có giá trị lợi thế, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có quỹ đất lớn, tại vị trí đắc địa, có lợi thế kinh doanh, phát triển dự án bất động sản...
Khoản 4 Điều 29 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một trong các căn cứ xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp là “giá trị quyền sử dụng đất được giao và giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp”. Song, Điều 31 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP hướng dẫn xác định giá trị lợi thế của doanh nghiệp lại không có quy định về xác định giá trị lợi thế vị trí đất theo giá thị trường nên dẫn đến việc giá trị lợi thế về đất thay vì trả cho Nhà nước lại được chuyển cho doanh nghiệp. Mặc dù, các doanh nghiệp không có quyền chuyển nhượng đất nhưng vẫn có quyền lựa chọn hình thức liên doanh, hợp tác đầu tư thông qua góp vốn giá trị lợi thế quyền thuê đất.
Việc không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất nhà nước đã làm cho giá trị doanh nghiệp/giá trị vốn nhà nước khi cổ phần hóa hoặc giá khởi điểm khi thoái vốn chưa phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế doanh nghiệp đang có, không phản ánh sát giá giao dịch thị trường, tạo kẽ hở để có thể lợi dụng gây thất thoát vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.