Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quy hoạch

Đình Hiệp| 08/06/2022 11:39

(HNMO) - Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực thuộc trách nhiệm. Trong đó, thực trạng, nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là nội dung được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc rà soát xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa vừa qua còn khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là việc xác định lợi thế quyền sử dụng đất; công tác cổ phần hóa, thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn một số hạn chế dẫn đến làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước... Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào về vấn đề này?

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình) đề nghị Bộ trưởng báo cáo giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà, đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hay không và giải pháp cho vấn đề này?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sắp xếp nhà đất là một trong những nút thắt của cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai. Theo đó, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án, nhưng việc này triển khai rất chậm. Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.

 Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cho biết, năm 2021, chỉ 18 doanh nghiệp được thoái vốn, cổ phần hóa được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng, cần hoàn thiện thêm khung pháp lý để đẩy nhanh vấn đề này. Ngoài ra, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hằng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng "đây là lỗ hổng cần được xử lý để không gây thất thoát đất đai khi cổ phần hóa doanh nghiệp".

Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, việc chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Kiên quyết thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm. 

“Vừa rồi, chúng ta thất thoát nhiều thông qua cổ phần hóa chủ yếu từ đất, có các vụ án xảy ra chủ yếu liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất. Khi tỉnh phê duyệt, đất đó là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất 1 lần là 50 năm, sau khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì lại xin địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất, như vậy không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát, tài sản của Nhà nước chuyển qua tài sản của tư nhân”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

 Đại biểu Nguyễn Thành Công (Đoàn Ninh Bình) chất vấn.

Theo Bộ trưởng, doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất là đất sở hữu toàn dân, khi doanh nghiệp nhà nước có đất thuê với mục đích thuê là sản xuất, kinh doanh thì khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần sẽ thực hiện đúng mục đích đó. Còn nếu doanh nghiệp cổ phần không có nhu cầu sử dụng thì trả lại đất cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền với phần tài sản trên đất cho doanh nghiệp và sau đó tổ chức đấu giá đất, thu về ngân sách. Nếu làm như vậy, chênh lệch địa tô sẽ không chảy vào túi doanh nghiệp, mà sẽ do Nhà nước điều tiết.

Cũng theo Bộ trưởng, đề xuất này nếu thực hiện sẽ có lợi là thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh doanh nghiệp sẽ nâng lên, đồng thời, không khuyến khích doanh nghiệp nhìn khu đất có lợi thế thương mại sau đó để tổ chức cổ phần hóa. Vì cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chứ không phải sau cổ phần hóa là giải tán doanh nghiệp, sa thải công nhân, để bán máy móc, lấy địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất... 

Liên quan đến Nghị định 32, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc Nghị định đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý. Bởi khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, thì hôm nay giá đất cao thì ngày mai có thể sẽ rẻ. Do đó, Bộ trưởng nêu rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định.

Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhà đất là tài sản của Nhà nước nên trước khi cổ phần hóa phải được sắp xếp để xác định tính hợp lý trong sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.