(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm chợ lớn, nhỏ. Đây là nơi tập trung đông người, cung cấp khoảng 60% nhu cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô.
Tiềm ẩn nguy cơ cao
Theo kết quả điều tra cơ bản của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 219 chợ thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy gồm: 15 chợ hạng 1, 56 chợ hạng 2, 148 chợ hạng 3 và chưa phân hạng. Ngoài ra còn có 235 chợ do đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm tự bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Các tiểu thương cần chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. |
Từ đầu năm 2017 đến nay, thành phố đã xảy ra 2 vụ cháy chợ. Gần nhất là vụ cháy chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) vào cuối tháng 1-2017. Ngọt lửa bùng phát lúc rạng sáng từ 3 ki ốt và có nguy cơ lan rộng. Sau 2 giờ nỗ lực chữa cháy, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã khống chế, dập tắt ngọn lửa. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân xảy ra cháy ở chợ chủ yếu do sơ suất trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt như hút thuốc lá, thắp hương, đốt vàng mã, đốt vía hay sự cố thiết bị điện quá tải,…
Thực tế cho thấy, vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại các chợ nhiều khi bị buông lỏng. Đơn cử như tại khu vực chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), qua khảo sát, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã chỉ rõ, tại khu vực sân vòm tầng 4 không có hệ thống báo khói, cháy, không bảo đảm theo quy hoạch thiết kế ban đầu và an toàn phòng chống cháy, nổ. Bên trong chợ, nhiều sạp hàng chất cao, che lấp thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Bể chứa nước, lối thoát nạn, không bảo đảm phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, một bộ phận hộ kinh doanh còn coi nhẹ công tác phòng ngừa.
Không chỉ riêng chợ Đồng Xuân, trong 6 tháng đầu năm, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đã kiểm tra 389 lượt chợ dân sinh, lập 389 biên bản, phát hiện 1.559 tồn tại, thiếu sót, xử lý vi phạm hành chính 23 trường hợp với tổng số tiền hơn 22,5 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy, một số chợ tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp. Một số hạng mục về phòng cháy, chữa cháy kém hiệu quả, thậm chí không còn hoạt động. Trong khi đó, các ban quản lý chợ lại không chú trọng đầu tư, nâng cấp thiết bị an toàn phòng cháy và không đặt ra những quy định nghiêm ngặt về công tác này đối với hộ kinh doanh.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ngày 7-8 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 183/KH-UBND, thực hiện Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong đó, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã lập danh sách các chợ trên địa bàn. Căn cứ vào đó, Sở Công Thương phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy rà soát, "điểm mặt" các chợ có nguy hiểm về cháy nổ trước ngày 10-10. Qua đó xem xét, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục, di dời theo quy định.
Qua giám sát, khảo sát, Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đã đề nghị cảnh sát Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cần tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện trong chợ, xem xét xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, không chấp hành quy định về phòng, chống cháy nổ. Ngoài ra, Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3 cho rằng, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cần phối hợp với các đơn vị quản lý thường xuyên tổ chức tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho các tiểu thương. Đây là biện pháp tuyên truyền thiết thực, trực quan giúp các hộ kinh doanh nâng cao ý thức, có thêm kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Theo Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), để bảo đảm an toàn phòng cháy tại các chợ, các hộ tiểu thương cần lưu ý không để hàng hóa lấn chiếm, không kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất có nguy cơ cháy nổ hay thắp đèn, nến, hương thờ cúng, đốt vàng mã trong chợ. Đối với ban quản lý các chợ cần bố trí ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng dễ cháy, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định. Tại các chợ gần khu dân cư, không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa khu vực chợ với các khu vực lân cận để đề phòng cháy lan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.