Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng, tránh “bà hỏa” tại các chợ

Kim Vũ| 23/02/2023 06:12

(HNM) - Bên cạnh các chợ được đầu tư hạ tầng với trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều chợ xuống cấp, hệ thống điện cũ kỹ, công tác phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm, còn nhiều bất cập, trong khi ý thức một số tiểu thương chưa cao. Để phòng, tránh “bà hỏa” ghé thăm, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cháy nổ tại các chợ trên địa bàn.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Trần Oanh

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại chợ Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), hiện có 247 gian hàng hoạt động nhưng hạ tầng cơ sở vật chất của chợ xuống cấp, hệ thống điện tới các quầy còn chắp vá, dây nọ chồng vào dây kia, tạo nên mớ “mạng nhện” giăng khắp nơi. Dây điện lâu ngày không được nâng cấp đã võng xuống, vỏ bọc bị lão hóa, nguy cơ chập điện rất cao. Đáng nói, hệ thống mái xuống cấp nghiêm trọng, han rỉ, thủng nhiều chỗ.

Tương tự, chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cũng luôn tấp nập với gần 1.000 gian hàng bán nông sản, thực phẩm tươi sống mỗi buổi sáng. Các sạp bán hàng lớn, nhỏ nằm san sát, phủ tạm bợ bằng các tấm bạt. Trong khi đó, hệ thống điện, dây kéo lằng nhằng, không bảo đảm an toàn, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao.

Ghi nhận tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) - nơi đây tập trung rất nhiều ki ốt bán rau, thịt, cá, quần áo... nhưng hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại đây vẫn còn nhiều bất cập. Tại khu vực tầng 2 của chợ, hệ thống đèn điện chiếu sáng tại nhiều khu vực vẫn chưa được lắp đặt. Phế liệu, rác thải dễ cháy được tiểu thương để ngổn ngang tại cầu thang gây mất mỹ quan, cản trở hành lang thoát nạn. Chưa kể, nhiều tiểu thương bày hàng hóa lộn xộn, che lấp các phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Theo quan sát, rất ít tiểu thương tự sắm bình cứu hỏa để đề phòng hỏa hoạn.

Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) các gian hàng chủ yếu kinh doanh vải sợi, quần áo, đồ gia dụng, điện tử, vàng mã, túi xách, giày dép… Dù công tác phòng cháy, chữa cháy tại đây được quan tâm, song do số lượng khách hàng tập trung đông, ô tô, xe máy tại các bãi trông giữ xe quanh chợ rất nhiều, nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy là không tránh khỏi. Tại các chợ như: Chợ tạm Tân Mỹ, chợ Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm); chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai); chợ Bưởi (quận Tây Hồ)… cũng xuất hiện tình trạng mất an toàn cháy nổ, cần được quan tâm đầu tư hoặc có các biện pháp bảo đảm an toàn.

Chỉ ra nguyên nhân tiềm ẩn, bên cạnh việc nhiều tiểu thương còn chủ quan không cẩn thận với các thiết bị điện, còn một nguyên nhân khác là một số chợ không được sửa chữa, cải tạo, các gian hàng cũ kỹ, xập xệ, hệ thống thiết bị điện thiếu an toàn.

Lực lượng chức năng hướng dẫn một hộ kinh doanh sử dụng thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại chợ Tó (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh). Ảnh: Như Ngọc

Tăng cường đầu tư, xử phạt nghiêm vi phạm

Chia sẻ khó khăn, Trưởng ban Quản lý chợ quận Thanh Xuân Lê Thị Kim Anh cho biết, năm 2023, đơn vị đã mua bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy cho các chợ trên địa bàn. Hiện quận còn chợ Thanh Xuân Bắc chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa do vướng vào dự án. Do đó, để khắc phục, Ban Quản lý chợ yêu cầu các tiểu thương thu gọn đồ đạc, bó gọn các dây điện, ổ điện để hạn chế nguy cơ cháy nổ. Đồng thời tuyên truyền, tập huấn định kỳ các kiến thức về an toàn cháy nổ tới tiểu thương.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Thị Chiên cũng cho biết, cơ sở vật chất tại chợ đầu mối Minh Khai xuống cấp, hệ thống điện tạm bợ, UBND phường đã đề xuất để chợ sớm cải tạo. Trong khi chờ được cải tạo, phường yêu cầu Ban Quản lý chợ tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương chú ý phòng cháy, chữa cháy và phối hợp với Công an quận tập huấn kiến thức về an toàn cháy nổ cho các tiểu thương.

Còn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) Hoàng Công Anh cho biết, hằng năm công ty đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại chợ Đồng Xuân hơn 300 triệu đồng; các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy được bổ sung, thay thế kịp thời, công tác bảo trì, bảo dưỡng 4 lần/năm. Đồng thời, phối hợp với đội phòng cháy, chữa cháy Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Tương tự, Công an quận Tây Hồ tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy với các tiểu thương… Từ thực tế cho thấy, các tiểu thương đã nâng cao nhận thức, không kê hàng hóa sát ổ điện, lối đi; không thắp đèn, nến, hương thờ cúng, đốt vàng mã trong chợ…

Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các chợ là việc làm thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, trước thực trạng còn nhiều chợ xuống cấp, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầu tư chưa đồng bộ, công tác quản lý bất cập... khiến cho nguy cơ mất an toàn phòng chống cháy nổ cao, các cấp, ngành, địa phương sớm lên phương án, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng, đặc biệt là hệ thống phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các tiểu thương cũng như người dân Thủ đô khi mua sắm tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, tránh “bà hỏa” tại các chợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.