Văn hóa

Nét xuân bên dòng sông Đáy

Nam Phong 11/02/2024 - 18:27

Khi tiết trời chuyển xuân, không gì thú vị bằng du ngoạn trên sông Đáy, nghe chuyện xưa tích cũ. Tôi đã đôi lần đi như vậy, mỗi lần lại cảm nhận được điều mới mẻ, nhận ra đó là con sông nuôi dưỡng mùa màng, hoa trái, tưới tắm cho lúa gạo, là con sông giữ trong mình những huyền tích đẹp về thuở người xưa lập làng, giữ đất.

le-hoi-tren-song-day.jpg
Lễ hội hai làng Văn Giang - Nam Dương tổ chức 3 năm một lần trên sông Đáy.

Con sông của thi ca

Xuôi dòng sông Đáy, tôi bắt đầu hành trình du ngoạn từ đoạn hạ nguồn là thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Sở dĩ không qua phía thượng nguồn nằm mãi trên mạn Phúc Thọ là bởi dường như nơi đó đã bị bồi lấp theo thời gian, phần khác bởi nét đẹp của sông nằm ở phía hạ nguồn. Xuôi dòng mạn này, đã có lúc bất ngờ ngây ngất trước vẻ đẹp hiện diện nơi đây. Hai bên bờ rợp bóng tre xanh, thấp thoáng phía xa là bóng cây gạo, căn nhà mái đỏ và ruộng ngô xanh thắm. Mặt nước như gương soi, đâu đó những chiếc thuyền đánh cá nhỏ lững lờ trôi.

Đoạn sông Đáy xuôi đến Vân Đình rồi đổ về phía huyện Mỹ Đức dường như lòng sông rộng rãi hơn. Nhìn khúc sông này, tôi đồ rằng, nếu đáy sông không cạn thì thuyền bè có thể thỏa thuê qua lại. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, làng ven sông nơi đây trù phú. Dọc bên sông có không ít chợ. Nổi danh trong vùng có thể kể đến chợ Tế Tiêu, chợ Dầu, chợ Đinh Xuyên, chợ Phù Lưu Tế...

Anh Phạm Công Bằng (sinh năm 1976), Nghệ nhân Ưu tú hiện là Trưởng phường rối Tế Tiêu (thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức) bảo, con sông êm dịu này là ký ức bồi lắng nên tuổi thơ anh. Đó là những ngày cùng đám bạn mải miết chơi bên ruộng ngô ngoài bãi sông. Là nơi bến sông, người làng anh thường tấp nập ở đây mỗi sáng sớm. Với anh Bằng, sông không chỉ là bến tắm giặt, gột rửa mọi bụi bặm mà còn là nơi nảy sinh tình yêu đôi lứa, là cả một miền thơ mộng phủ đầy màu xanh hoa cải khi mùa về...

Dòng sông Đáy từng không ít lần đi vào thi ca. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành cho sông Đáy sự ưu ái đặc biệt. Trong thơ ông, sông Đáy gieo nỗi nhớ quê hương da diết: “Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Chợt nhớ áo em tuột rơi trên bến vắng một trăng xưa/ Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi...”.

Không chỉ qua thơ Nguyễn Quang Thiều, sông Đáy hiện lên thật đẹp trong âm nhạc. Như nhạc sĩ Đoàn Bổng đã dành nhiều mỹ từ cho dòng sông này: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vành một góc trời...”.

Nghe những lời thơ, điệu hát về sông Đáy, chợt nghiệm ra rằng, con sông có lẽ là cội nguồn của sự trù phú, là nguồn nước mát lành tưới tắm nên “bờ xôi ruộng mật”. Hơn hết, dù trong thi ca hay ngoài đời thực thì sông Đáy luôn là như vậy, hiền hòa như người mẹ bồi đắp phù sa cho từng tấc đất, thớ thịt đồng nội, nuôi sống đất và người, làm nên những mùa xuân.

song-day.jpg

Lắng đọng trầm tích văn hóa

Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội. Lễ hội mùa xuân mang trong mình những trầm tích văn hóa được kết đọng qua thời gian. Nhiều giá trị văn hóa đặc sắc gắn liền với những dòng sông. Và sông Đáy cũng vậy, mỗi dịp xuân về, trên khúc sông quê định kỳ ba năm một lần lại có một lễ rước nước cầu may. Ở đó, người dân mở hội đua thuyền, hội hát, hội hoa đăng rực rỡ sắc màu. Đó là lễ hội của hai ngôi làng ven sông Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) và Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) với nghi thức linh thiêng ở giữa dòng sông. Giờ đẹp ngày chính hội, cao niên hai làng cùng nhau đi thuyền ra giữa dòng sông Đáy xin nước thiêng và đọc tế thần, ôn lại khoán ước của tiền nhân. Nhắc chuyện này, bà Đinh Thị Hải, Trưởng thôn Nam Dương kể, Nam Dương và Văn Giang đều là làng quần tụ ven sông Đáy. Khi xưa, cuộc sống đang yên bình thì một ngày nạn cướp bóc tràn về. Giặc cướp hoành hành khiến người làng Nam Dương không thể đơn độc chống đỡ. Người dân ra đình đánh trống kêu cứu. Bên kia sông, làng Văn Giang nghe tiếng trống đã dùng thuyền bè vượt sông sang cứu trợ. Ngược lại, mỗi lần có tín hiệu từ làng Văn Giang thì làng Nam Dương lại huy động trai tráng đưa thuyền sang giúp. Cứ thế, mỗi khi có giặc cướp xuất hiện, chỉ cần đánh trống là cả vùng hợp sức chống cướp.

Đó là chuyện xưa tích cũ được truyền lại, dị bản cũng có ít nhiều, song có một điểm không thể phủ nhận là mối quan hệ giữa hai làng đến nay vẫn khăng khít. Khi làng Văn Giang có việc thì làng Nam Dương cử đoàn đến thăm hỏi, chúc mừng và ngược lại. Người dân hai làng ứng xử với nhau nghĩa tình, chưa từng xảy ra xích mích. Không những vậy, khi hỏi thăm nhau họ đều xưng gọi “dân anh”, “dân em”. Bên nào cũng là anh và bên nào cũng là em, không nặng nề phân biệt trên dưới...

Nhắc chuyện hai làng, ông Nguyễn Văn Thạo, nguyên Chủ tịch UBND xã Hòa Nam cho biết, hội truyền thống được hai làng tổ chức ba năm một lần. Qua thăng trầm lịch sử, tình nghĩa hai làng vẫn sâu đậm và lưu truyền trong lớp lớp con cháu hiện tại và mai sau. Đó là yếu tố tích cực, đáng tự hào, đáng phát huy mãi mãi.

Mới đây, một hội thảo khoa học về lễ kết chạ trên sông Đáy đã được UBND hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa tổ chức. Đây là nền tảng để cơ quan chức năng xem xét đưa lễ hội độc đáo này vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là niềm vui lớn của hai làng Nam Dương và Văn Giang khi nét văn hóa truyền thống được ghi nhận rộng rãi.

Lặng ngắm dòng sông Đáy mỹ lệ êm dịu chảy xuôi trong ánh hoàng hôn mà thầm nghĩ sông sẽ bình lặng chảy mãi đến Hà Nam, qua đủ hợp tan thì về Ninh Bình, Nam Định rồi cuối cùng đổ về phía biển Đông, như một người con trở về với lòng mẹ. Xuân về, sông Đáy cũng dường như xanh hơn, cây cối hai bên bờ mơn mởn đâm chồi nảy lộc. Nhìn sông cũng thấy lòng rộn ràng náo nức, một cảm giác chảy trôi bình lặng trong sự an yên của đất trời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nét xuân bên dòng sông Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.