Nông nghiệp - Nông thôn

Thanh Oai quy hoạch phát triển du lịch ven sông Đáy

Đỗ Minh 18/08/2023 - 20:16

Sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai có chiều dài khoảng 17km, có 9 xã nằm trong vùng bãi sông. Tổng diện tích tự nhiên của vùng bãi sông là 721ha. Trong định hướng phát kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, Thanh Oai xác định phát triển vùng ven sông Đáy thành không gian du lịch sinh thái, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy.

Nguồn lực nội sinh

Bám dọc tuyến sông Đáy, xã Kim An của huyện Thanh Oai nổi tiếng là vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của Hà Nội.

Từ trên bờ đê nhìn xuống, thôn Tràng Cát, xã Kim An xanh mướt với những vườn cây ăn quả, vườn lá dong… uốn lượn ven sông Đáy. Ông Nguyễn Văn Trường, người dân thôn Tràng Cát cho hay, từ hàng chục năm nay, người dân thôn Tràng Cát tận dụng lợi thế vùng bãi ven sông để trồng cây ăn quả, rau an toàn và cây cảnh trong dịp Tết Nguyên đán.

Với sự “ưu đãi” từ thiên nhiên, xã đã có hơn 80ha trồng rau an toàn, hơn 40ha trồng cây ăn quả các loại và trở thành vùng trồng cây ăn quả, rau an toàn lớn của huyện Thanh Oai. Nhóm cây trồng chính tại vùng bãi này là ổi Đài Loan, bưởi Diễn cảnh, cam Canh…

Theo Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải, với vùng đất bãi phì nhiêu dọc tuyến sông Đáy, Kim An có lợi thế lớn trong phát triển du lịch sinh thái. Phát huy “nguồn lực thiên nhiên”, những năm qua, Kim An chủ động phát triển vùng nông nghiệp chuyên canh, đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Xã đã lắp đặt 166 biển chỉ dẫn công cộng tên đường, tên ngõ; trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường nông thôn... Xã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của Thanh Oai đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

“Những năm qua, nhiều vườn cây ăn quả của xã đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh dịp cuối năm", Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

thanh-mai.jpg
Đường vào xã Thanh Mai - xã vùng bãi sông Đáy có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.

Cũng như Kim An, Thanh Mai cũng là một trong những xã có diện tích canh tác lớn ven sông Đáy. Hiện, các thôn ven sông Đáy đều trồng cây ăn quả, rau an toàn. Thời gian qua, một số gia đình đầu tư xây dựng trang trại nông nghiệp gắn với nghỉ dưỡng dù tỷ lệ còn thấp.

buoi-dien-cao-vien.jpg
Nhiều xã vùng bãi sông Đáy của huyện Thanh Oai hình thành vùng trồng cây ăn quả, cây cảnh thu hút khách.

Hay như ở xã Cao Viên, Chủ tịch UBND xã Cao Viên Nguyễn Mạnh Dũng cho hay, không chỉ có lợi thế ven sông Đáy, Cao Viên còn có khu đầm Cao Viên rộng lớn - được ví là “lá phổi xanh” của xã. Khai thác lợi thế này, Cao Viên đã quy hoạch vùng ven sông Đáy và khu vực các thôn ven đầm Cao Viên phát triển du lịch sinh thái kết hợp các tuyến du lịch làng nghề, du lịch tâm linh…

dam-cao-vien.jpg
Đầm Cao Viên của xã Cao Viên có lợi thế phát triển du lịch sinh thái.

Biến lợi thế thành thế mạnh

Nhận diện nguồn lực phát triển du lịch sinh thái của Thanh Oai, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, Thanh Oai là huyện ven đô của Hà Nội, có vị trí quan trọng khi gắn liền với khu vực nội thành. Do đó, cần xác định rõ quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải vừa hài hòa với sự phát triển của địa phương vừa phù hợp sự phát triển của Thủ đô. Đáng chú ý, Thanh Oai là vùng đất giàu lịch sử, văn hóa truyền thống, do đó, trong quy hoạch phải bảo đảm bảo tồn các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có sông Đáy chảy qua nên rất thuận lợi cho phát triển các khu đô thị sinh thái, sân golf, khu du lịch…

tuyen-duong-dau-tu.jpg
Nhiều tuyến đường được huyện Thanh Oai đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch.

Thực tế, để phát huy nguồn lực về du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch tâm linh, thời gian qua, Thanh Oai chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại những nơi có tiềm năng du lịch, biến lợi thế thành thế mạnh.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, UBND huyện Thanh Oai kiến nghị UBND thành phố, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội xem xét chấp thuận cho phép cập nhật một số nội dung cho công tác lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai, trong đó có quy hoạch phát triển du lịch ven sông Đáy của huyện.

dam-12-con-giap-thanh-cao.jpg
Khu sinh thái 12 con giáp tại xã Cao Dương.

Sông Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai có chiều dài khoảng 17km, có 9 xã nằm trong vùng bãi sông. Tổng diện tích tự nhiên của vùng bãi sông là 721ha. Trong định hướng phát kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025, xác định phát triển vùng ven sông Đáy thành không gian du lịch sinh thái, hình thành tuyến du lịch thủy trên sông Đáy, Thanh Oai định hướng quy hoạch toàn bộ khu vực bãi bồi sông Đáy là khu vực hỗn hợp du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp, kết nối tuyến du lịch đường thủy sông Đáy với du lịch làng nghề truyền thống ven sông. Đồng thời, cải tạo không gian làng xóm hiện hữu, phát triển du lịch văn hóa - lễ hội gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề.

"Vì vậy, huyện đề xuất tích hợp vùng ven sông Đáy vào quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến 2030, trong định hướng phát triển các vùng phát triển hàng hóa xác định: Vùng ven sông Đáy trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ phát triển là vùng nông nghiệp sinh thái, trồng cây ăn quả, cây đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Đặc biệt định hướng quy hoạch 1 sân golf tại khu vực bãi bồi sông Đáy thuộc các xã: Kim An, Kim Thư và thị trấn Kim Bài (đất trồng cây ăn quả) với quy mô diện tích khoảng 200ha”, ông Bùi Văn Sáng thông tin thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh Oai quy hoạch phát triển du lịch ven sông Đáy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.