Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tối đa mức phạt với lái xe sử dụng rượu, bia: Tăng chế tài để thay đổi hành vi

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 17/08/2019 08:21

(HNM) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang được Bộ Giao thông - Vận tải lấy ý kiến đóng góp lần 2, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Theo dự thảo, hầu hết các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia đều tăng rất cao so với quy định hiện hành. Báo Hànộimới ghi nhận được nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc với kỳ vọng tăng mức phạt sẽ góp phần thay đổi hành vi của chủ phương tiện.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế xe ô tô.

Ông Trần Ngọc Uẩn, Bí thư Chi bộ cụm dân cư số 1, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy): 
Cốt lõi vẫn là yếu tố con người

Theo dự thảo, hầu hết các hành vi vi phạm khi điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đều bị phạt với mức rất cao. Đối với mô tô, xe máy, dự thảo đề xuất tăng mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng lên mức 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với người điều khiển phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn từ 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc từ 0,25mg đến 0,4mg/lít khí thở; tước bằng lái xe từ 16 đến 18 tháng thay vì từ 1 đến 3 tháng so với quy định hiện hành. Riêng với ô tô, mức phạt tối đa với chủ phương tiện có thể lên tới 40.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng… Có thể nói, đây là mức phạt “kỷ lục” về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông - vận tải.

Việc tăng mức phạt trong bối cảnh Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sắp có hiệu lực (ngày 1-1-2020) và từ thực tế có quá nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông thời gian qua là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này hiệu quả đến đâu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Đỗ Danh Doãn, chủ quán bia hơi Hải hói, 99 Mạc Thái Tổ (quận Cầu Giấy):
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ phương tiện khi tham gia giao thông

Việc tăng mức phạt với các chủ phương tiện lái xe sau khi uống bia, rượu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của những người kinh doanh rượu, bia như chúng tôi, song cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Quan điểm kinh doanh của nhà hàng là luôn bảo đảm an toàn tối đa cho khách, thay vì thu lợi nhuận bằng mọi giá. Trường hợp phát hiện khách có dấu hiệu “quá chén”, chúng tôi đề nghị khách để xe tại quán và ra về bằng taxi, việc trông giữ ô tô, xe máy qua đêm đều miễn phí.

Theo tôi, việc đề xuất tăng mức phạt lên gấp đôi, gấp ba lần so với nghị định hiện hành đã khiến nhiều chủ phương tiện phải dè chừng hơn khi sử dụng rượu, bia. Vì thế, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, việc tăng mức phạt sẽ tác động không nhỏ tới nâng cao ý thức, từ đó góp phần thay đổi hành vi của chủ phương tiện khi tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Quốc Hùng, phường Kim Liên (quận Đống Đa): 
Quy định mới sẽ được nhiều người ủng hộ

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là lái xe sử dụng ma túy, rượu, bia, phóng nhanh, vượt ẩu...

Là một lái xe lâu năm, tôi thấy người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia là cực kỳ nguy hiểm. Không chỉ gây hại cho bản thân, người ngồi trên xe mà còn gây nguy hiểm cho người và các phương tiện khác cùng tham gia giao thông. Điểm mới của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP so với nghị định cũ là chỉ cần có nồng độ cồn trong máu, người điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt; còn với người lái ô tô, mức phạt có thể lên tới 40.000.000 đồng... Chắc chắn quy định này sẽ được nhiều người ủng hộ. Mong rằng Dự thảo Nghị định sớm được thông qua để góp phần quan trọng làm giảm số vụ tai nạn giao thông, hạn chế dần hành vi vi phạm các quy định liên quan đến an toàn giao thông.

Thượng úy Nguyễn Hiếu Minh, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội): 
Tăng mức phạt là cần thiết

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp; các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện tăng cao.

Theo tôi, để khắc phục tình trạng này, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy của người điều khiển phương tiện là cần thiết. Cụ thể, Khoản 11, Điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP được sửa đổi: Phạt tiền từ 26.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; trong khi quy định cũ chỉ tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi tương tự...

Mức xử phạt cao kèm theo hình thức xử phạt bổ sung nghiêm khắc như trên chắc chắn sẽ bảo đảm được tính răn đe và khả thi khi thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tối đa mức phạt với lái xe sử dụng rượu, bia: Tăng chế tài để thay đổi hành vi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.