Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chế tài để bảo đảm an toàn bay

Tuấn Lương| 01/08/2014 07:13

(HNM) - Từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình sự cố, tai nạn uy hiếp an toàn bay tăng đột biến, ngoài những nguyên nhân khách quan thì vẫn còn không ít vụ việc có nguyên nhân chủ quan đến từ con người, cả phía nhân viên hàng không và hành khách…

An ninh, an toàn hàng không đang là vấn đề nóng đối với dư luận. Ảnh: Bảo Lâm


Gia tăng số vụ uy hiếp an toàn bay

Từ đầu năm 2014 đến nay, các sự cố, tai nạn có khả năng uy hiếp an toàn bay gia tăng đột biến với 145 vụ các loại, tăng hơn 30 vụ so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý, ngoài một số vụ việc có nguyên nhân khách quan từ thời tiết xấu, chim va phải máy bay… không ít vụ việc có nguyên nhân từ yếu tố con người. Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), có tới 7 vụ hành khách tung tin có bom, trong khi 6 tháng đầu năm 2013 không xảy ra vụ việc nào. Về hành vi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái phép lên máy bay cũng xảy ra 62 vụ. Hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay tăng 35 vụ (tăng 583% so với cùng kỳ). Hiện tượng khách mở cửa thoát hiểm, giật áo phao… có xu hướng tái diễn. Gần đây nhất, trên chuyến bay VN2170 từ TP Hồ Chí Minh đi Thanh Hóa ngày 22-7, khi máy bay đã đáp xuống an toàn tại sân bay Thọ Xuân thì hành khách Phạm Minh Ninh ngồi ở số ghế 29G đã tự ý mở cửa thoát hiểm 3L (ở giữa máy bay) để xuống nhanh hơn. Hậu quả là chuyến bay tiếp theo VN1271 từ Thanh Hóa đi TP Hồ Chí Minh phải khởi hành chậm khoảng gần 2 tiếng so với kế hoạch và buộc phải cắt 23 khách mặc dù đã hoàn tất thủ tục check-in do không thể xếp khách vào khoang có cửa thoát hiểm vừa được đóng lại.

Không chỉ hành khách mà chính một số nhân viên hàng không cũng đã trở thành tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn bay. Có tới 3/4 sự cố nghiêm trọng đến từ lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu (KSVKL), nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay. Cụ thể: Vụ vận chuyển nhầm khách đi Cam Ranh (Khánh Hòa) thay vì Đà Lạt vào ngày 19-6; vụ cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và mới đây là vụ tổ lái mất liên lạc với KSVKL tại sân bay Vinh vào tối ngày 23-7 do nhân viên không lưu lúng túng trong thao tác micro…

Cần có chế tài mạnh hơn


Các vụ việc ảnh hưởng tới an toàn bay nói trên đã được Cục HKVN kịp thời mổ xẻ kỹ nguyên nhân, từ đó xử lý nghiêm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm cả việc rút giấy phép hành nghề; yêu cầu đào tạo lại cho đến xử phạt hành chính. Như với vụ tổ lái mất liên lạc với KSVKL tại sân bay Vinh, Cục HKVN đã phạt 7,5 triệu đồng đối với người trực chỉ huy và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động không lưu trong vòng 2 tháng. Phạt 7,5 triệu đồng đối với KSVKL trực hiệp đồng vì đã tự ý rời vị trí trong khi có máy bay đang hạ cánh, đồng thời xem xét thu hồi giấy phép hành nghề đối với nhân viên này. Đài trưởng, đài phó bị đình chỉ công tác trong 15 ngày để kiểm điểm trách nhiệm.

Với vụ việc cấp nhầm huấn lệnh ở Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cục HKVN đã quyết định thu hồi giấy phép và chứng chỉ của kíp trưởng kíp trực; không làm thủ tục đề nghị và kiểm tra cấp giấy phép cho KSVKL thực tập trong phạm vi tối thiểu một năm kể từ ngày xảy ra sự cố để tiếp tục huấn luyện thêm; yêu cầu Tổng Công ty Quản lý bay đình chỉ công việc đối với Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Trung trong vòng 15 ngày để thực hiện việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm...

Với vụ hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay ở sân bay Thọ Xuân, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2014 vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, cần có những biện pháp mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm an toàn bay. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dù trong bối cảnh nào thì việc bảo đảm an toàn bay vẫn là ưu tiên số 1. Bộ GTVT sẽ tiếp tục yêu cầu Cục HKVN thực hiện ở mức cao nhất các khuyến cáo về an toàn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của chương trình an toàn hàng không quốc gia, hệ thống quản lý an toàn, chương trình an toàn đường cất, hạ cánh; hoàn thiện hơn nữa các tài liệu, quy trình bảo đảm an toàn bay cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng chế tài để bảo đảm an toàn bay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.