(HNM) - Theo ghi nhận của ngành Y tế Thủ đô, từ đầu năm 2020 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố là 1.574 trường hợp, giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 (3.186 ca). Dù vậy, những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng mạnh. Điều này cho thấy dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Đáng lo ngại là, hiện nhiều người vẫn chủ quan, tự điều trị tại nhà, dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho người bệnh. Nguy hiểm hơn, những mầm bệnh không được kiểm soát kịp thời này còn tiềm ẩn nguy cơ sinh sôi ổ dịch tại cộng đồng.
Trong khi đó, không ít người dân vẫn có thói quen như tích nước mưa, không đậy kín nắp téc nước sinh hoạt; không úp các dụng cụ có chứa nước đọng, không giữ nhà cửa sạch sẽ… Điều này đã vô tình “tiếp tay”, tạo môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Chưa kể, những thông tin về dịch sốt xuất huyết cũng ít được người dân cập nhật để có biện pháp phòng tránh phù hợp.
Đặc biệt, thời điểm hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, nắng mưa thất thường là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hơn nữa, Thủ đô là nơi “đất chật, người đông”, không ít khu nhà trọ, công trường, khu dân cư có điều kiện vệ sinh môi trường không bảo đảm, nên dịch bệnh rất dễ lây lan.
Để tránh nguy cơ “dịch chồng dịch”, ngành Y tế Thủ đô và các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (gồm cả sốt xuất huyết và dịch Covid-19) và vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Việc tuyên truyền cần gắn với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và chính quyền địa phương. Các thông tin phòng, chống dịch bệnh cập nhật cho người dân cần dễ hiểu, dễ nắm bắt và dễ áp dụng.
Điểm rất đáng lưu ý là năm học mới đã bắt đầu, ngoài các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai rất quyết liệt, ngành Giáo dục, ngành Y tế và các nhà trường trên địa bàn thành phố cần lồng ghép tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết cho học sinh. Từ đó, các em sẽ trở thành những “tuyên truyền viên nhí” về phòng, chống dịch bệnh lan tỏa hiệu quả đến từng gia đình.
Hệ thống y tế Thủ đô, nhất là ở cơ sở, ngoài việc làm tốt công tác y tế dự phòng, cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, nhân lực, thuốc men… để chủ động trong mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra. Cùng với đó, làm tốt công tác dịch tễ, khẩn trương huy động lực lượng điều tra, khoanh vùng dập dịch khi phát hiện ca sốt xuất huyết; kiên quyết không để hình thành ổ dịch lớn trong cộng đồng.
Chính quyền các địa phương cần tiếp tục kiện toàn, tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của đội xung kích và tổ giám sát diệt bọ gậy. Ngoài ra, thành viên các tổ này cần tăng trách nhiệm, phối hợp cùng người dân triển khai các biện pháp làm sạch môi trường khu dân cư, trong từng gia đình để triệt tiêu các nguồn lây lan dịch bệnh.
Mỗi người dân Thủ đô cũng cần nâng cao nhận thức, chủ động tìm hiểu thông tin về sốt xuất huyết, dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác để có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc và nhắc nhở mọi người trong gia đình, cơ quan chung tay giữ gìn môi trường sạch sẽ. Song song đó, mọi người cần ăn uống đủ dưỡng chất, tạo thói quen tập thể dục, thể thao để tăng cường sức đề kháng trước dịch bệnh.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mỗi người dân sẽ là giải pháp quan trọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch sốt xuất huyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.