Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trình độ dân trí

Thiện Mỹ| 08/12/2021 06:08

(HNM) - Xây dựng xã hội học tập là mục tiêu lớn, không có điểm dừng, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong nhiều năm qua. Qua thời gian, hoạt động này ngày càng khẳng định là cơ sở để góp phần nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với ý nghĩa đó, công tác xây dựng xã hội học tập ngày càng được triển khai sâu rộng. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” (Quyết định số 281/QĐ-TTg) với mục tiêu thúc đẩy hoạt động học tập thường xuyên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng... Đến nay, công tác khuyến học được mở rộng và nâng tầm với quan điểm: Tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo... (Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”).

Là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, công tác khuyến học tại Hà Nội đã đạt kết quả tích cực. Ngoài những mô hình về: “Đơn vị học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” đều vượt chỉ tiêu tại Quyết định số 281/QĐ-TTg, thì công tác khuyến học còn mang lại những lợi ích không thể đong đếm như: Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên; trình độ dân trí ngày càng được cải thiện...

Tuy nhiên, công tác khuyến học chưa đồng đều giữa các quận, huyện; phong trào học tập ở một số cơ quan, tổ chức chưa mạnh; một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa chủ động tự học nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, việc xây dựng xã hội học tập là rất cần thiết. Do vậy, cần hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để chuyển hệ thống giáo dục nước ta sang hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời. Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến để đáp ứng nhu cầu học tập của toàn xã hội.

Thực tế, nhận thức về công tác khuyến học với nhiều người còn khá mờ nhạt, nên các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để mọi người thấy rõ sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác này. Không chỉ học trong trường lớp, mà việc học cần được khuyến khích ở mọi cơ quan, đơn vị, khu dân cư, cộng đồng. Mỗi gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị... cần quan tâm, động viên để phát huy cao nhất tinh thần hiếu học.

Để xây dựng được xã hội học tập chất lượng, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị nói chung và các cấp khuyến học nói riêng cần đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất. Người lớn cần nêu gương; gia đình, dòng họ phải quan tâm, tạo nền nếp cho việc học suốt đời. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần thay đổi tư duy, học để làm giàu cho tri thức của mình, chứ không phải chỉ học vì bằng cấp. Các cấp khuyến học cần tổng kết, đúc rút ra những mô hình học tập hay để nhân rộng, đồng thời phát triển những mô hình mới phù hợp với đòi hỏi của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng xã hội học tập không là trách nhiệm riêng của ngành nào. Khi cả xã hội cùng học tập, sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, nâng chất lượng nguồn nhân lực để phát triển đất nước mạnh, giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trình độ dân trí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.