Giáo dục

Học liệu số - nền tảng xây dựng một xã hội học tập: Bước khởi đầu ấn tượng

Hoàng Lan 26/05/2024 - 06:25

Chuyển đổi số trong giáo dục đang là xu hướng mang tính toàn cầu. Mục tiêu của quá trình này là thay đổi phương pháp, nâng cao khả năng tự học, tự cập nhật kiến thức của người dạy và người học.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, việc đưa học liệu số vào giảng dạy ngày càng trở nên phổ biến ở các cấp học. Đặc biệt, học liệu số còn giúp ích cho quá trình tự học và học tập suốt đời, đáp ứng mục tiêu xây dựng xã hội học tập trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta.

z5464138111663_f3d6f640bb164705cfd9a8fae297b307.jpg
Giờ học tiếng Việt ứng dụng học liệu số tại Trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Vũ Minh

Nâng cao vai trò tự học của học sinh

Học liệu số (hay học liệu điện tử) là tập hợp các phương tiện điện tử phục vụ dạy và học, bao gồm: Giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra đánh giá điện tử, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu được số hóa khác... (khoản 2, Điều 2, Thông tư 21/2017/TT-BGDĐT). So với học liệu truyền thống, học liệu số giúp học sinh và giáo viên có thể truy cập và sử dụng bất cứ lúc nào, học tập mọi lúc mọi nơi, thay đổi phương cách tìm kiếm, sử dụng thông tin và tri thức, giúp ích cho quá trình tự đào tạo.

lop-1a1.jpg
Học liệu số mang lại nhiều thay đổi trong quá trình dạy và học. Ảnh: Vũ Minh

Được đánh giá là một thay đổi căn bản, tạo sự đột phá trong công tác dạy và học, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã triển khai việc ứng dụng học liệu điện tử vào giảng dạy. Tháng 9-2021, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố kho học liệu điện tử giáo dục tại địa chỉ study.hanoi.edu.vn (Hanoi Study) để cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn ngành khai thác, sử dụng. Trên phạm vi cả nước, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Hệ tri thức Việt xây dựng kho học liệu số miễn phí được tuyển chọn từ các cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning ở các địa phương và các nhà trường. Đến nay, kho học liệu số này đã có khoảng 5.000 bài giảng E-learning các môn học và dư địa chí, khoảng 30.000 câu hỏi trắc nghiệm, 7.000 luận văn tiến sĩ, khoảng 2.000 bài giảng truyền hình, khoảng 200 bản sách giáo khoa điện tử và đang tiếp tục được bổ sung.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Mai (Trường Tiểu học Quang Minh A, xã Quang Minh, huyện Mê Linh) chia sẻ: “Học liệu số là một công cụ vô cùng hữu ích giúp tôi có thể giao bài cho học sinh và học sinh cũng dễ dàng thực hành các bài tập trên nền tảng số, từ đó, thầy, cô giáo có thể nắm được nhận thức và quá trình rèn luyện, học tập của mỗi học sinh. Khi giảng dạy bằng học liệu số, học sinh tỏ ra hào hứng với tiết học hơn bởi được tiếp nhận nhiều hình ảnh với màu sắc bắt mắt, từ đó, nhanh chóng tiếp nhận kiến thức, nhớ bài chắc chắn. Đặc biệt, học liệu số còn giúp việc soạn giáo án của giáo viên nhẹ nhàng hơn”.

Cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội cũng khẳng định: “Học liệu số giúp tiết kiệm chi phí cho việc mua sắm tài liệu học tập. Bên cạnh đó, học liệu số còn giúp tăng cường tính tương tác và đổi mới trong việc giảng dạy. Với học liệu số, giáo viên không cần chuẩn bị giáo án trước khi dạy như trước đây. Học sinh chỉ việc nhìn và làm theo hướng dẫn chi tiết trên màn hình. Giáo viên không cần hướng dẫn thêm nhiều mà học sinh vẫn tiếp thu và thực hiện theo bài giảng nhanh chóng. Trong quá trình học sinh làm theo hướng dẫn từ học liệu số, giáo viên có thời gian quan sát cả lớp và sửa ngay nếu học sinh làm chưa đúng. Chính vì thế, kho học liệu số là một phương tiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Đối mặt với những thách thức

Tuy nhiên, dù phát triển tương đối phong phú nhưng khi đối chiếu với chương trình giáo dục phổ thông thì học liệu số còn có thiếu hụt ở nhiều bài, nhiều môn, nhiều cấp học. Cụ thể, đa số học liệu số hiện nay tập trung cho các lớp cuối cấp như lớp 9, lớp 12 và tập trung nhiều vào 3 môn toán, văn, Anh ngữ; với các môn khác, số lượng học liệu chưa được phong phú bằng. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến việc xây dựng kho học liệu số trong ngành Giáo dục là vấn đề bản quyền. Khi xây dựng kho học liệu số, các tổ chức giáo dục cần phải đảm bảo rằng các tài liệu được sử dụng và chia sẻ trong kho đều có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Nếu không tuân thủ các quy định về bản quyền nói riêng và pháp luật nói chung, các tổ chức giáo dục có thể đối mặt với hậu quả pháp lý do vi phạm bản quyền.

Mặt khác, có một thực tế là kho tài liệu số chuẩn xác thì mới đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, nguồn nhân lực và ngân sách tại Việt Nam vẫn còn eo hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Cô giáo Nguyễn Hồng Nhung cho biết: “Tình trạng học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực cũng như không được kiểm soát chặt chẽ về nội dung vẫn xảy ra. Điều này dẫn đến tình trạng không đồng nhất về kiến thức, gây ra nhiều hệ lụy như tốn thời gian, tốn ngân sách... Đó là chưa kể việc phát triển học liệu số một cách tự phát, “trăm hoa đua nở”, trong khi chưa có quy hoạch, định hướng dẫn đến tình trạng trùng lặp, lãng phí, học liệu số sản xuất tập trung nhiều vào một số lĩnh vực, một số môn học, một số bậc học chứ chưa phát triển đồng đều. Ngoài ra, việc xây dựng kho học liệu hiện còn đối mặt với một số thách thức, như bảo đảm tính bảo mật trong việc lưu trữ và quản lý các tài liệu học tập trong kho, ngăn chặn việc truy cập trái phép hoặc mất mát dữ liệu...”.

Tiến tới xây dựng một xã hội học tập

Mới đây, ngày 5-5, sau 2 ngày triển khai “Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM ngành Giáo dục Hà Nội năm 2024”, theo ghi nhận của Sở GD-ĐT Hà Nội, một trong những thành công lớn sau ngày hội là ngành Giáo dục Thủ đô đã nhận được các bài giảng, phần mềm dạy học, kho học liệu trực tuyến, cung cấp một nguồn tài nguyên phong phú, có chất lượng được thẩm định để phục vụ học sinh có thể tự học mọi lúc, mọi nơi.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: "Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống ôn tập và kiểm tra trực tuyến Hanoi Study, phát triển kho học số liệu toàn ngành theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhằm hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy, học, thi và kiểm tra đánh giá".

Đánh giá cao vai trò của công nghệ thông tin trong đổi mới và phát triển giáo dục, ông Nguyễn Danh Cường, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì cho rằng: “Học liệu số rất phù hợp trong việc đôn đốc học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục của huyện so với mặt bằng chung của thành phố, giúp huyện Ba Vì thu hẹp khoảng cách giáo dục so với khu vực nội thành”.

Có thể thấy, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ngành Giáo dục Thủ đô đang có những giải pháp, chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể để hỗ trợ hiệu quả cho việc học tập suốt đời của mọi người dân trên nền tảng công nghệ số. Trong đó, giải pháp điển hình là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục; tăng cường cung cấp các nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích, các chương trình học tập trực tuyến; tích cực phổ biến, giới thiệu các tài nguyên này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị; khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên khai thác sử dụng học liệu số...

Mục tiêu của những nỗ lực này là để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, yêu cầu xây dựng năng lực tự học trong kỷ nguyên số, góp phần triển khai thành công phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học liệu số - nền tảng xây dựng một xã hội học tập: Bước khởi đầu ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.