(HNM) - Truyền nghề cho lao động nông thôn, nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; kết nối cung cầu… là những hoạt động hiệu quả được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội triển khai đồng bộ, sâu rộng trên địa bàn các huyện, thị xã Hà Nội trong năm qua.
Lao động công nghiệp nông thôn tăng 4,09%
Từ đầu năm đến nay, công tác khuyến công tiếp tục được triển khai đồng bộ, sâu rộng trên địa bàn 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố cho biết, công tác khuyến công năm 2017 đã góp phần đưa giá trị sản xuất ngành Công nghiệp Hà Nội tăng thêm 7,3% so với năm 2016, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đạt trên 89.000 tỷ đồng, tăng 11%; giá trị sản xuất làng nghề ước đạt 20.000 tỷ đồng tăng 33,3%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành Thủ công mỹ nghệ đạt 187 triệu USD, tăng 5,5%. Đáng chú ý, số lao động công nghiệp nông thôn năm 2017 tăng 4,09% (tương đương 417.163 người), trong đó lao động được tạo việc làm mới qua hoạt động khuyến công đạt khoảng 10.000 người), với thu nhập bình quân đạt 47,1 triệu đồng/năm (tăng 13,07%); hỗ trợ 500 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tạo ra 250 mẫu sản phẩm mới.
Dạy nghề mây tre đan xuất khẩu cho nông dân tại xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất). Ảnh: Bá Hoạt |
Cũng trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức 40 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề cho 1.400 lao động nông thôn tập trung vào ngành nghề thủ công mỹ nghệ như mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, gốm sứ, dát vàng quỳ, mộc dân dụng... Tổ chức 15 lớp tập huấn chính sách khuyến công và khởi sự doanh nghiệp cho 1.500 chủ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ quản lý tại Mê Linh, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Oai, Gia Lâm, Thanh Trì…
Cũng từ chương trình này, đã có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngành Thủ công mỹ nghệ được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Không dừng ở đó, các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã còn được trung tâm hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước về xúc tiến thương mại như: Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2017, Hội chợ quốc tế tại Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Ngoài ra, việc hỗ trợ trực tiếp vào đổi mới, nâng cấp máy móc từ chương trình khuyến công của thành phố đã tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị. Điển hình như các dự án: Hỗ trợ đầu tư ứng dụng dây chuyền máy nhồi lông vũ tự động 618C, năng suất tăng 40%; hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy dệt len điện tử Weihuan CNC lập trình vi tính, góp phần tăng năng suất 30% so với các máy thế hệ cũ; hỗ trợ đầu tư ứng dụng máy in bao bì 12 màu theo công nghệ tự động, màu sắc đẹp và năng suất cao, góp phần tăng 200% năng suất lao động…
Ông Hoàng Xuân Thủy cho biết thêm, các đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc đã giải phóng sức lao động, giúp vận hành an toàn hơn, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ chính xác cao, từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Đặt mục tiêu 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số ngành nghề công nghiệp nông thôn phát triển chưa bền vững, ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương ở mức nghiêm trọng. Nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế nên số lượng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được hỗ trợ chưa nhiều. Thêm vào đó, hoạt động khuyến công phần lớn được triển khai trên địa bàn nông thôn, cách xa trung tâm thành phố, việc đi lại mất thời gian công sức, trong khi đó đội ngũ làm công tác khuyến công cấp huyện còn thiếu và chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy việc triển khai còn gặp không ít khó khăn.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10% so với năm 2017 (tương đương 98.000 tỷ đồng), trong đó giá trị sản xuất làng nghề tăng 10-12% (đạt 22.000 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,9% (đạt 200 triệu USD). Từ chương trình khuyến công, có 450-500 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ; tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân khoảng 51 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo ra khoảng 300 mẫu sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ.
Để đạt kết quả cao hơn, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ nâng mức kinh phí hỗ trợ truyền nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, phối hợp hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho làng nghề đăng ký tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề; cung cấp thông tin giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.