Huyện Phú Xuyên vừa khép lại dấu ấn trong quảng bá sản phẩm làng nghề qua nền tảng số, hưởng ứng sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024”. Chương trình không chỉ tạo cơ hội bán hàng, mà còn mở ra triển vọng mới cho các làng nghề truyền thống.
Điểm nhấn phiên livestream
Được sự quan tâm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), sự phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam, UBND huyện Phú Xuyên tổ chức phiên livestream quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Sự kiện diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12 tại Cung Thiếu nhi, số 36 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội , thu hút đông đảo sự chú ý từ cộng đồng mạng internet...
Chương trình được triển khai qua các tài khoản TikTok nổi tiếng, như: Trang Kiu, Anh Tây ơi và trang chính thức của huyện Phú Xuyên “LÀNG NGHỀ PHÚ XUYÊN” trên Facebook và TikTok. Lịch livestream được tổ chức chi tiết với sự góp mặt của các làng nghề nổi bật: Chuyên Mỹ, Phú Yên, Vân Từ, Phú Túc, Hoàng Long, Tân Dân, Đại Thắng, Phú Minh, Văn Hoàng.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, áo dài, thực phẩm đặc sản, ngũ cốc, bánh kẹo... đã được phát trực tiếp. Qua 2 ngày, hàng trăm sản phẩm làng nghề được giới thiệu, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Để sự kiện thành công, UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các xã lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, hướng dẫn cơ sở sản xuất tham gia quy trình bán hàng trên nền tảng TikTokshop. Những nội dung chuẩn bị bao gồm: Mở tài khoản TikTokshop, kết nối với các KOC, gắn giỏ hàng trực tuyến; tập huấn kỹ năng bán hàng số qua Công ty TNHH Học viện doanh nhân iViet; hỗ trợ logistics từ việc in đơn hàng, giao hàng đến thanh quyết toán kinh phí...
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh thông qua hệ thống truyền thanh huyện, khuyến khích người dân theo dõi, mua sắm trực tuyến tại các phiên livestream.
Thông qua sự kiện này, người dân làng nghề nhận thức rõ hơn việc thay đổi cách làm truyền thống. Từ sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến thực phẩm đặc sản địa phương, các làng nghề bước đầu gặt hái thành công trên chợ trực tuyến.
Kết nối thương mại truyền thống và hiện đại
Ông Nguyễn Văn Vinh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Vịnh Linh, xã Sơn Hà chia sẻ niềm tự hào khi cơ sở của ông có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), bao gồm các mặt hàng nổi bật: Đồng hồ gỗ, hộp bánh kẹo, khay trà, đĩa gỗ trang trí... “Trước đây, việc bán hàng của chúng tôi phụ thuộc phần lớn vào thương lái. Giờ đây, nhờ sự hỗ trợ từ huyện và xã, chúng tôi tự tin bước vào nền tảng số, sản phẩm được quảng bá nhanh chóng, tỷ lệ đặt hàng qua thương mại điện tử hiện chiếm 60%, thậm chí có thời điểm đạt 80% tổng đơn hàng. Đây là bước tiến vượt bậc, giúp cơ sở không chỉ bán hàng, mà còn xây dựng thương hiệu lâu dài”, ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Chị Đặng Thị Thêu, chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ ở xã Phú Túc chia sẻ: "Livestream không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng mới, mà còn là cơ hội quảng bá giá trị văn hóa làng nghề truyền thống".
Sự kiện Online Friday 2024 đã mở ra triển vọng phát triển mới, khẳng định bước tiến của Phú Xuyên trong hành trình chuyển đổi số, gắn kết truyền thống với hiện đại. Đây không chỉ là sân chơi cho làng nghề, mà còn là cách xây dựng thương hiệu địa phương trên bản đồ kinh tế số Việt Nam.
Từ những trải nghiệm thực tế, người dân làng nghề nhận rõ sức mạnh của thương mại điện tử trong việc mở rộng thị trường. Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng kết hợp giữa giá trị truyền thống và công nghệ hiện đại.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, sự kiện không chỉ giúp người dân bán hàng, mà còn mang đến cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế từ nhãn hàng khác. Đây là tiền đề quan trọng để làng nghề có nhiều dự định cho tương lai.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nếu muốn các làng nghề phát triển bền vững. Lãnh đạo huyện đang nỗ lực biến Phú Xuyên thành thủ phủ bán hàng online lớn của Thủ đô, nơi mỗi sản phẩm làng nghề đều kể câu chuyện độc đáo của mình. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phú Xuyên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: Hỗ trợ bao bì, nhãn mác, thiết kế sản phẩm phù hợp thị hiếu tiêu dùng; tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan làng nghề xanh, sạch, đẹp kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, giúp người dân làng nghề tự tin tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước. Chỉ trong chưa đầy một năm, doanh số bán hàng online của huyện đã tăng 5,6 lần.
Sự kiện “Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024” minh chứng cho sự hỗ trợ, định hướng đúng đắn, các làng nghề truyền thống hoàn toàn có thể thích nghi và bứt phá trong chuyển đổi số. Phú Xuyên cũng chứng minh tiềm năng to lớn của địa phương trong việc biến thách thức thành cơ hội, giúp các làng nghề ngày càng thịnh vượng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.