(HNNN) - Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm 2023 được Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội phát động từ ngày 9-3 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Mục đích đặt ra là khẳng định ý nghĩa, sự quan trọng của thông tin với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh các hành vi lừa đảo, gian lận diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, đặc biệt là trên không gian mạng. Dù các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực nhưng có thể thấy, sự chủ động tìm kiếm, phân tích thông tin, nâng cao kiến thức là vô cùng quan trọng để tránh “sập bẫy” hàng giả, gian lận thương mại.
Khi người tiêu dùng “cầm đằng lưỡi”
Ngày 15-2, một cơ sở kinh doanh thuốc trên phố Trần Cung, quận Bắc Từ Liêm, đã bị các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hơn 2.000 tuýp thuốc trị bệnh trĩ giả mạo nhãn hiệu. Trên “phố thiết bị y tế” Phương Mai, ngày 18-2, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra và phát hiện cả máy kiểm tra nồng độ cồn không rõ nguồn gốc, không có kiểm định chất lượng. Đặc biệt, tối 23-2, qua kiểm tra đột xuất một căn hộ tại khu đô thị ở quận Hoàng Mai, lực lượng liên ngành đã tạm giữ gần 1 tấn bao bì tem nhãn và gần 2 tấn thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng khi chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa... Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã có quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi một loạt mỹ phẩm chống nắng, trị mụn, thâm, nám, tàn nhang... do không bảo đảm chất lượng.
Theo số liệu của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 11.945 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021); 124.121 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021); 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021).
Thông tin về các vụ bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bị phát hiện, xử lý xuất hiện liên tục, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khiến người tiêu dùng vừa vui, vừa lo. Vui, vì một lượng lớn hàng hóa đã bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời; lo, vì không hiểu mình đã từng mua, sử dụng hàng hóa kém phẩm chất để rồi đang “tích độc” trong người hay chưa. Hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng xuất hiện trên mọi “mặt trận”, từ thực phẩm ăn uống đến mỹ phẩm làm đẹp, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Trong “ma trận” sản phẩm không bảo đảm chất lượng, rõ ràng, nếu không tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin, tìm hiểu nguồn gốc cẩn trọng, người tiêu dùng sẽ “tiền mất tật mang”.
Nâng cao trách nhiệm với khách hàng
Phát biểu tại lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những tiến triển tích cực. Điều đó có lợi không chỉ cho người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp chân chính phát triển. Đặc biệt, trong năm 2022, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu và được đánh giá cao về nội dung, chất lượng. Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tiếp tục được mở rộng, tạo nền tảng nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng đồng thời cung cấp thông tin đầu vào cho việc xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng đã chủ động tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng. Những kết quả đạt được là đáng khích lệ, nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên thực tế, đặc biệt là qua các nền tảng mạng xã hội thì dễ thấy, người tiêu dùng vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương. Đó là lý do Bộ Công Thương kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng biết, chủ động đưa ra các quyết định lựa chọn sáng suốt.
Chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Quốc gia Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu đặt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lên hàng đầu. Công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cần được tăng cường. Các lực lượng chức năng cũng tăng cường phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin kịp thời.
Hành lang pháp lý, căn cứ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang ngày càng được hoàn thiện, nhưng có đi vào cuộc sống hay không thì đòi hỏi sự tìm hiểu, tiếp thu, nâng cao kiến thức và tham gia mạnh mẽ hơn của mỗi cá nhân. Khi kiến thức được nâng lên, có sự phân tích, chọn lọc cẩn trọng hơn, chắc chắn sẽ bớt đi những lời phàn nàn, kêu ca khi gặp phải tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”. Việc tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung ứng sản phẩm... chính là cách hiệu quả nhất để không mất tiền rồi rước bệnh, rước bực vào người. Muốn làm được điều đó, cần luôn cập nhật kiến thức pháp luật, thông tin sản phẩm, rồi đối chiếu, so sánh, phân tích, tìm ra những bất cập, mập mờ của sản phẩm. Thay vì thói quen lên mạng xem hàng, nghe quảng cáo, chốt đơn, mỗi người cần dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức rồi chọn lựa sản phẩm. Không gì tốt bằng tự bảo vệ chính mình!
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BCĐ389/TP về tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, cần thông tin tuyên truyền kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cần tăng cường phổ biến pháp luật trong kinh doanh thương mại đối với các đơn vị sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, cũng cần phản ánh kịp thời các vụ việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng, qua đó thông tin đến người dân về tác hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đối với kinh tế, văn hóa và sức khỏe cộng đồng; nâng cao nhận thức của nhân dân Thủ đô về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này. Công tác tuyên truyền phải chính xác, kịp thời, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Thông tin phải trung thực, khách quan, mang tính xây dựng và có trách nhiệm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.