(HNM) - Ngày 3-12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, cùng một số ngành liên quan đã tổ chức diễn đàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2012, với chủ đề
Các cấp ngành chức năng cần triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trên diện rộng nhằm giúp các đơn vị tái cấu trúc hoạt động, tái cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Ảnh: Huyền Linh |
Bức tranh tối màu
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, kết quả điều tra 8.200 DN dân doanh và hơn 1.500 DN đầu tư nước ngoài cho thấy rõ cảm nhận rất khó khăn, đầy áp lực đối với cộng đồng DN; mức độ lạc quan của DN đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay. Kết quả điều tra sự lạc quan về triển vọng kinh doanh của các năm trước luôn chiếm hơn 70% đã giảm xuống 47% trong năm 2011, và nay chỉ còn 33%. Bên cạnh đó, mức độ rủi ro tăng cao, chi phí liên quan đến kinh doanh và quản lý cũng tăng, trong khi cơ hội kinh doanh lại giảm, dẫn đến việc DN ngày càng yếu ớt. Tính chung hai năm 2011 và 2012, cả nước có khoảng 100 ngàn DN phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… bằng 50% tổng số DN rút khỏi thị trường của cả 20 năm qua. Hậu quả là một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm, dẫn đến sức mua của xã hội giảm; hàng hóa của đại bộ phận DN rơi vào tình trạng tồn đọng kéo dài. Thực tế đó dẫn đến hậu quả "kẹt vốn", mất vốn đối với DN…
Ở tầm vĩ mô, nền kinh tế cũng bộc lộ những tồn tại như lạm phát đang đe dọa quay trở lại, thị trường bất động sản và chứng khoán vẫn trầm lắng, vốn đầu tư nước ngoài giảm, DN nhà nước hoạt động kém hiệu quả…
Khơi dậy sức năng động của doanh nghiệp
Năm 2012, đã có khoảng 20 cuộc tham vấn giữa các cơ quan chức năng với nhiều hiệp hội, DN để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN trên tinh thần cởi mở, đáp ứng nhu cầu cụ thể của DN. Từ đó, một số mục tiêu quan trọng như mức độ lạm phát, tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, an sinh xã hội đã được duy trì ở mức hợp lý, tránh tối đa hậu quả tiêu cực đối với đời sống KT-XH cả nước.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh xác nhận, các DN cũng đang có sự hồi phục tuy chưa mạnh như mong muốn. Hoạt động sản xuất công nghiệp cũng được cải thiện theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng DN, sẵn sàng đối thoại để đáp ứng nhu cầu của DN, hỗ trợ DN một cách thiết thực. Chính phủ sẽ chỉ đạo và kiên quyết đẩy nhanh tốc độ cải cách DN nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng kết hợp xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của các thị trường, kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, Chính phủ sẽ khuyến khích mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư để khơi dậy các nguồn lực, nhất là nguồn vốn của khu vực tư nhân bên cạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Để DN thoát khỏi tình trạng khó khăn không thể một sớm một chiều. Cộng đồng DN kiến nghị: Trước hết, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho DN, không nên "cuốn vào" các giải pháp và vấn đề ngắn hạn. Việc kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế là đúng hướng và để DN nhìn vào, duy trì niềm tin và tiếp tục đầu tư cho dài hạn. Cơ quan chức năng cũng nên theo sát diễn biến về yêu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm để hỗ trợ DN trong việc nâng cao trình độ quản trị và nguồn nhân lực, bên cạnh việc thiết lập môi trường kinh doanh minh bạch, có sự cạnh tranh lành mạnh. DN luôn cần thông tin đầy đủ, kịp thời cũng như chính sách dễ hiểu, dễ dự báo để có thể đưa ra quyết định kinh doanh của mình một cách phù hợp. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để giúp DN giảm chi phí, với sự cho phép giảm, giãn, hoãn các loại thuế và phí, để từ đó có thể giảm chi phí đầu vào. Các cơ quan chức năng nên giữ ổn định chính sách, tránh thay đổi đột ngột kết hợp với giãn lịch trình tăng giá đối với một số mặt hàng quan trọng đối với sản xuất; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay và được vay vốn với lãi suất hợp lý… Các ngành chức năng cần gấp rút triển khai chương trình hỗ trợ DN trên diện rộng nhằm giúp các đơn vị tái cấu trúc hoạt động, tái cơ cấu về sản phẩm, trình độ công nghệ và thị trường để nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường. Trong đó, chú trọng vào mục tiêu thay đổi công nghệ sản xuất; tranh thủ du nhập, sử dụng công nghệ hiện đại; tiết kiệm năng lượng; hướng tới sản xuất sạch và tăng trưởng xanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.