Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả của Luật Thống kê

Hồng Sơn| 09/11/2021 16:59

(HNMO) - Ngày 9-11, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện dự án nói trên và xin ý kiến Quốc hội; dự kiến thông qua ngày 13-11-2021.

Phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 17 như sau: “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ sau đây: a) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; b) Hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. c) Định kỳ 5 năm rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước".

Riêng danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi.

Trong đó, về nhóm chỉ tiêu, tăng 1 nhóm chỉ tiêu (nhóm “Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” tách thành 2 nhóm: “Trật tự, an toàn xã hội” và “Tư pháp”). Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu, cụ thể: Nhóm “07. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “07. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”; nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”; nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”...

Theo Tiến sĩ Trần Thị Kim Thu, nguyên Trưởng khoa Thống kê - Đại học Kinh tế quốc dân, nội dung luật mới cần bám sát, đáp ứng một số yêu cầu quan trọng, như: Giải quyết vấn đề chênh lệch về số liệu thống kê, nâng cao chất lượng số liệu, ấn phẩm thống kê, bảo đảm tính phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới và sự chính xác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tê - xã hội của đất nước. Sản phẩm thống kê phải bao hàm đầy đủ thông tin, minh bạch và kịp thời, có sự phân tích sâu cũng như dễ dàng tổng hợp để giúp đơn vị, cá nhân sử dụng số liệu trong và ngoài nước trong việc so sánh, đối chiếu, từ đó trợ giúp đắc lực cho công tác điều hành nói chung…

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trọng Đường, đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông), dư địa cho phát triển kinh tế số của Việt Nam còn rất nhiều và là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung đầu tư trí tuệ phát triển; từ đó nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP cả nước. Vì vậy, ngành thống kê cần theo sát diễn biến tình hình để cập nhật thông tin, nâng cao hiệu quả, áp dụng phương pháp nghiệp vụ tiên tiến trong thu thập và xử lý thông tin liên quan đến lĩnh vực này để có thể sẵn sàng cung cấp những số liệu cần thiết. Đặc biệt, cần xác định tương quan so sánh với các quốc gia, khu vực khác nhằm nhân lên thế mạnh nội tại, rút ra bài học kinh nghiệm để bảo đảm chất lượng hoạt động của ngành thống kê.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả của Luật Thống kê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.