Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Mấu chốt là trách nhiệm nêu gương

Hà Vũ| 11/03/2022 06:14

(HNM) - Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố với trọng tâm là tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”. Để đề án đem lại hiệu quả thực chất, không chỉ cần sự hưởng ứng của cán bộ, đảng viên mà đòi hỏi trước hết là trách nhiệm nêu gương của các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu.

Sinh hoạt chi bộ định kỳ của Chi bộ tổ dân phố số 2, Đảng ủy phường Ngọc Lâm (quận Long Biên). Ảnh: Hồng Minh

Chủ trương đúng đắn, cần thiết

Đảng bộ thành phố Hà Nội có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, với 2.351 tổ chức cơ sở Đảng, 17.217 chi bộ và trên 460.000 đảng viên. Riêng 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã có 13.158 chi bộ với hơn 393.000 đảng viên.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, những năm qua, hoạt động của các chi bộ nhìn chung có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả khảo sát của Ban Tổ chức Thành ủy tại 50 đảng bộ trực thuộc cho thấy, cơ bản các chi bộ đều bảo đảm sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Các chi bộ cơ quan hành chính, lực lượng vũ trang, thôn, tổ dân phố thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt định kỳ từ ngày 3 đến 5 hằng tháng. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt thường xuyên trung bình đạt trên 85% tùy từng tính chất, khối lượng công việc hằng tháng. Thời lượng sinh hoạt chi bộ được duy trì 90-120 phút...

Tuy nhiên, qua đánh giá, còn 6 nhóm hạn chế, khuyết điểm cần được quan tâm. Đáng chú ý, một số chi bộ chưa thực hiện nghiêm các quy định, nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng và nền nếp sinh hoạt chi bộ định kỳ hằng tháng, chuyên đề. Tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt ở một số nơi chưa đạt yêu cầu; hình thức sinh hoạt chi bộ còn theo lối mòn, rập khuôn...

Trong bối cảnh trên, Đề án số 11-ĐA/TU được ban hành nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, bí thư chi bộ và đảng viên; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề theo quy định của Điều lệ Đảng, các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Vũ Đức Bảo cho biết, Đề án số 11-ĐA/TU được ban hành nhằm đạt 5 mục tiêu cụ thể với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bài bản, khoa học. Trong đó, nhiệm vụ số một là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của sinh hoạt chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đánh giá cao về chủ trương này, Bí thư Chi bộ 3 (Đảng bộ phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình) Nguyễn Văn Minh nhìn nhận, không ít cuộc sinh hoạt chi bộ là sự “độc diễn” của Bí thư chi bộ. Đề án số 11-ĐA/TU được ban hành rất trúng và đúng, là cơ sở để cấp ủy cấp trên quan tâm, chi ủy chi bộ vận dụng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Cán bộ, đảng viên Chi bộ 12, Đảng ủy phường Phương Mai (quận Đống Đa) vận động người dân phòng, chống dịch Covid-19.

Quyết định là ở tinh thần trách nhiệm

Ngay sau khi Đề án số 11-ĐA/TU được ban hành, các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân khẳng định, Ban Thường vụ Quận ủy đã truyền đạt xuống cơ sở để thực hiện từ tháng 2-2022; bên cạnh 6 nhiệm vụ, giải pháp của Ban Thường vụ Thành ủy, quận chủ động đưa ra các nhiệm vụ cụ thể cho từng loại hình chi bộ. Đơn cử như sinh hoạt chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp phải gắn với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chuyên nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ.

Còn Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy về thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU đã được Đảng ủy xã triển khai đến các chi bộ. Thuận lợi là hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng ủy xã đều có đề án đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nên với Đề án số 11-ĐA/TU, Đảng ủy xã sẽ có thêm động lực làm tốt hơn nhiệm vụ này.

Từ kinh nghiệm điều hành sinh hoạt chi bộ, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 7 (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh) Trương Xuân Viện cho rằng, mấu chốt để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là công tác điều hành, nhất là bí thư chi bộ có vai trò rất quan trọng, phải có bản lĩnh, trình độ lý luận và gương mẫu. Để thực hiện tốt Đề án số 11-ĐA/TU, cấp ủy cấp trên và mỗi chi bộ cần quan tâm đến yếu tố này.

Trong khi đó, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Bắc Từ Liêm Nguyễn Xuân Ứng khẳng định, thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU, quận xác định phải tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ. Mục tiêu là người chủ trì sinh hoạt chi bộ phải tạo được bầu không khí cởi mở, dân chủ, làm cho đảng viên thấy việc tham gia sinh hoạt, phát biểu ý kiến không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi.

Theo yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU của các cấp ủy trực thuộc, kịp thời hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án đang đi đúng hướng và để đánh giá được hiệu quả cần có thêm thời gian, nhưng xét cho cùng vẫn phụ thuộc vào trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu chi bộ cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Mấu chốt là trách nhiệm nêu gương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.