Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở địa bàn dân cư: Bàn những việc sát sườn

Hà Vũ| 15/06/2022 06:14

(HNM) - Thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ Hà Nội trong tình hình mới”, các cấp ủy địa phương, đặc biệt là nhiều chi bộ địa bàn dân cư đã quán triệt tinh thần không nói chung chung, tập trung bàn những việc sát sườn được cán bộ, đảng viên và người dân quan tâm. Việc làm hiệu quả này cần được nhân rộng ở tất cả các loại hình chi bộ.

Đảng ủy phường Bồ Đề (quận Long Biên) chỉ đạo thực hiện sớm Đề án số 11-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt chuyên đề về trật tự đô thị tại Chi bộ 18, phường Bồ Đề. Ảnh: Thanh Mai

Đi vào cuộc sống một cách thiết thực

Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 11-ĐA/TU (Đề án 11), các quận, huyện, thị ủy đã khẩn trương ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, Đề án 11 đã đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong lựa chọn nội dung sinh hoạt chi bộ tại địa bàn dân cư.

Ngày 5-6-2022, thực hiện Kế hoạch số 108-KH/QU ngày 25-2-2022 của Quận ủy Long Biên về thực hiện Đề án 11, Chi bộ tổ dân phố số 1 phường Long Biên tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Dân vận khéo trong công tác trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn tổ dân phố”. Đây là nội dung được cán bộ và nhân dân quan tâm, bởi trên địa bàn còn nhiều vấn đề tồn đọng như nạn đổ trộm rác, ô tô đỗ sai quy định... Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1 Ngô Thị Tiền cho biết, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cao với 7 nhiệm vụ, giải pháp mà chi bộ đề ra để lãnh đạo, giao nhiệm vụ cho tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể, đảng viên tổ chức khắc phục.

Trong khi đó, tại xã Tiên Phong (huyện Ba Vì), từ đầu năm 2022, các chi bộ thôn trong mỗi kỳ sinh hoạt đều tập trung bàn giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm, người dân đã hiến hơn 1.000m2 đất làm đường giao thông, góp hơn 1 tỷ đồng xây lại tường bao, tu bổ công trình tâm linh, trồng hoa, cây cảnh.

Ở khu vực nội thành, trước thực trạng thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy nổ gia tăng, nhiều chi bộ tổ dân phố đã lựa chọn chủ đề “Công tác phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, thực trạng và giải pháp” để bàn về nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo. Đây cũng là chủ đề tại buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 4 vừa qua của Chi bộ 7 phường Mai Động (quận Hoàng Mai), cũng như nhiều chi bộ tại quận Thanh Xuân, quận Hai Bà Trưng... Theo Phó Bí thư Chi bộ 7 phường Mai Động Nguyễn Thị Xuân Hương, đây là vấn đề cấp thiết vì địa bàn có mật độ dân cư rất đông, đường ngang, ngõ tắt nhỏ, xe cứu hỏa khó vào nên nguy cơ mất an toàn rất cao khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Tại quận Hoàn Kiếm, cụ thể hóa Đề án 11, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/QU để triển khai tới từng chi bộ. Thực hiện chủ trương này, trong buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 6-2022, Chi bộ tổ dân phố số 1 phường Phan Chu Trinh đã chọn chủ đề là: “Trách nhiệm đảng viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng của các thế lực thù địch trên không gian mạng”. Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 1 Nguyễn Văn Hiệp khẳng định: “Đây là “trận chiến” mà các đảng viên cao tuổi chúng tôi không thể đứng ngoài”. Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Phan Chu Trinh Nguyễn Minh Thanh, Đề án 11 đã cho thấy sự cần thiết không chỉ với tổ chức Đảng, đảng viên mà còn với đời sống xã hội.

Huyện ủy Ba Vì tổ chức tập huấn về tổ chức sinh hoạt chi bộ cho hơn 100 bí thư, phó bí thư chi bộ nhằm thực hiện Đề án 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Khuyết Duyên

Khẳng định vai trò hạt nhân

Cùng với các chi bộ và đảng bộ nêu trên, thực hiện Đề án 11, các cấp ủy thuộc quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn cũng đang tích cực triển khai, tổ chức thực hiện nhằm lan tỏa tinh thần đổi mới, quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng chi bộ.

Bí thư Ðảng ủy phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Vũ Thị Thủy cho biết, Ðảng ủy phường sẽ tăng cường giám sát việc tổ chức sinh hoạt của các chi bộ theo đúng quy định, hướng dẫn; lưu ý tới từng chi bộ việc lựa chọn nội dung, khâu chuẩn bị, bảo đảm nội dung sinh hoạt không chỉ bám sát thực tế từng địa bàn tổ dân phố, cơ quan, đơn vị mà còn gắn với nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Đặng Thị Thanh Bình chia sẻ, Đảng ủy phường xác định, để nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ trực thuộc phải thay đổi tư duy từ chỗ các đảng viên chỉ bàn những cái mình đang có, thành bàn, thảo luận những điều người dân cần, đi thẳng vào vấn đề đặt ra trong cuộc sống hằng ngày.

Còn tại huyện Ba Vì, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 11, đầu tháng 6-2022, Huyện ủy đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” cho hơn 100 bí thư, phó bí thư các chi bộ trên địa bàn.

Có thể nói, Đề án 11 không chỉ là nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với các tổ chức, cấp ủy Đảng, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn đời sống. Đổi mới sinh hoạt chi bộ, khắc phục triệt để tình trạng nói chung chung, thay bằng tập trung bàn vấn đề cụ thể, sát sườn là chìa khóa để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ, để mỗi chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là chỗ dựa của nhân dân.

Đảng bộ thành phố Hà Nội hiện có hơn 17.000 chi bộ, trong đó 30 Đảng bộ quận, huyện, thị xã có hơn 13.000 chi bộ với gần 395.000 đảng viên. Riêng địa bàn dân cư (thôn, tổ dân phố) có hơn 5.100 chi bộ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở địa bàn dân cư: Bàn những việc sát sườn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.