(HNM) - Tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới nhấn mạnh: Phát triển hợp tác xã có vai trò quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất.
Chăm sóc rau tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Tào Ngọc |
Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội đã triển khai tư vấn hỗ trợ, củng cố được 213 hợp tác xã tại 213 xã xây dựng nông thôn mới thuộc 18 huyện, thị xã; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành của thành phố hướng dẫn đánh giá, chấm điểm tiêu chí số 13. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Tiến Phong: Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên một số đơn vị về vai trò, vị trí hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới, Luật Hợp tác xã năm 2012 còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết phải củng cố, phát triển hợp tác xã là cơ hội để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đáp ứng tiêu chí 13. Ngoài ra, hiệu quả hoạt động kinh tế chưa cao dẫn đến thu nhập hợp tác xã thấp, một số thành viên chưa tin tưởng vào hoạt động của đơn vị...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho biết: Toàn huyện có 15 tổ hợp tác và 82 hợp tác xã, đến nay, 100% hợp tác xã trên địa bàn đã tổ chức, củng cố theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới, huyện đã phối hợp với ngành chức năng củng cố, nâng cao hiệu quả của hợp tác xã để duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, phần lớn hợp tác xã rơi vào tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu, khó huy động được nguồn vốn, cán bộ quản lý yếu... Trong khi đó, hầu hết hợp tác xã chỉ mới thực hiện được khâu làm ra sản phẩm, còn "đầu ra" vẫn phụ thuộc vào thương lái; chưa xây dựng được chiến lược phát triển quy hoạch, kế hoạch về vốn, thị trường, quản trị, công nghệ. Nhiều hợp tác xã chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; thậm chí hoạt động mang tính ngắn hạn, chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu của thành viên và thị trường...
Để bảo đảm hoàn thành tiêu chí số 13, đưa các xã trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả cao. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về công tác củng cố hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng: Các sở, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các hợp tác xã. Đặc biệt, cần quan tâm công tác quy hoạch, bồi dưỡng, thu hút cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ chuyên môn về làm việc tại hợp tác xã.
Ngoài ra, các ngành chức năng cần hướng dẫn những xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục quan tâm củng cố phát triển hợp tác xã, mở rộng hoạt động dịch vụ, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, chủ động kết nối và ổn định thị trường tiêu thụ... nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.