(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động đưa ra những giải pháp trong công tác cải cách hành chính.
Anh Phạm Hùng Phương, chuyên viên Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cần làm thủ tục để xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản nhưng còn lúng túng vì chưa biết quy trình như thế nào. Ngày 1-11, anh Phương đến Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội (QHKT) thì được cán bộ bộ phận "một cửa" chỉ dẫn sang Tổ Tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp. Tại đây, anh Phương đã được cán bộ của tổ giải đáp, hướng dẫn về cách nộp hồ sơ cung cấp thông tin quy hoạch và thỏa thuận quy mô công trình để thực hiện các bước tiếp theo. Nhờ đó, anh Phương đã hiểu và sớm hoàn thiện hồ sơ.
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” của Sở Xây dựng. Ảnh: Bảo Kha |
Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội Trần Việt Thắng cho biết: "Công việc của chúng tôi thường xuyên phải thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) tại Sở QHKT. Do giấy tờ trong mỗi bộ hồ sơ nhiều nên trước đây thường phải mất từ hơn 10 ngày đến 1 tháng mới có thể hoàn thiện được để đem nộp. Từ khi có tổ hướng dẫn của Sở thì thời gian chúng tôi hoàn thiện hồ sơ nhanh hơn, không có sai sót, không phải làm đi làm lại nên tiết kiệm cả kinh phí, công sức và thời gian".
Theo Phó Chánh văn phòng Sở QHKT Bùi Văn Bắc, cán bộ thường trực Tổ Tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp của Sở QHKT: "Xuất phát từ mong muốn cải tiến, tìm các phương thức hỗ trợ tối đa trong việc phục vụ tốt hơn các tổ chức, công dân, đồng thời tạo tiếng nói chung giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, Sở QHKT đã thành lập Tổ Tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp gồm 8 thành viên do Giám đốc Sở làm Tổ trưởng. Trách nhiệm của tổ là hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp trong việc hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận và đôn đốc giải quyết TTHC chứ không làm thay chuyên môn nghiệp vụ các phòng, ban". Bên cạnh việc hướng dẫn doanh nghiệp, tổ còn liên hệ với các phòng, ban chuyên môn của Sở và doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Tổ cũng có trách nhiệm phối hợp, đôn đốc các bộ phận liên quan trong Sở giải quyết TTHC đúng hạn. 9 tháng của năm 2013, Sở QHKT đã giải quyết đúng hạn 957/1.023 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 94%. Cùng với việc thành lập Tổ Tiếp nhận thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp, Sở QHKT cũng là đơn vị đầu tiên trong khối sở, ngành trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với CBCCVC của Sở. Đây là một trong những căn cứ để Sở tham khảo khi đánh giá hiệu quả làm việc cũng như bình xét thi đua. Mỗi công dân đến nhận kết quả hồ sơ hành chính tại Sở đều được phát phiếu đánh giá chất lượng, trong đó có 4 mức: Tốt, khá, trung bình, yếu. Đến nay, Sở đã thu về được hơn 805 phiếu, trong đó có 8 phiếu đánh giá khá, 1 phiếu đánh giá trung bình, còn lại là đánh giá tốt.
Tại Sở Công thương, CBCC bộ phận “một cửa” luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phục vụ tận tình yêu cầu của tổ chức, cá nhân khi giao dịch hành chính. Ngay cả khi không đến được trực tiếp, công dân có thể gọi điện thoại vẫn được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình để bảo đảm hồ sơ chỉ phải nộp một lần mà không bị trả lại để bổ sung. Ngoài sổ góp ý, hòm thư góp ý, tổ chức, cá nhân có thắc mắc muốn trao đổi đều được lãnh đạo Sở trực tiếp xem xét giải quyết. Do đó, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của Sở luôn đạt tuyệt đối.
Còn nhiều những sáng kiến, giải pháp đã được các đơn vị triển khai hiệu quả như quận Long Biên cũng đã tiến hành đánh giá chấm điểm cán bộ về mức độ hoàn thành công việc theo kế hoạch công tác tuần, tháng. Sở Tư pháp phối hợp với Bưu điện thành phố thực hiện trả kết quả TTHC qua hệ thống bưu điện theo yêu cầu của công dân; Công an thành phố triển khai mô hình xuống địa bàn giúp dân làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện mô tô, xe máy (đã triển khai tại quận Đống Đa, huyện Phúc Thọ) và cấp giấy chứng minh thư nhân dân trực tiếp tại nhà cho người già, ốm đau không có khả năng đi lại (triển khai tại một số quận: Hoàng Mai, Tây Hồ, Từ Liêm…).
Hiệu quả từ sự sáng tạo của các đơn vị là điều đáng ghi nhận. Hy vọng rằng, trong quá trình thực hiện công tác CCHC sẽ có ngày càng nhiều đơn vị đưa ra những giải pháp mới, những cách làm hay mang lại thuận lợi cho tổ chức, công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.