Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao bản lĩnh, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển

Nguyễn Đức| 01/05/2015 06:30

(HNM) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ công nhân đã từng bước giác ngộ, không ngừng vươn lên, phát triển mọi mặt thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang.


Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, cao trào cách mạng dân chủ 1936-1939, rồi thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là những minh chứng sống động khẳng định sự tiến bộ, trưởng thành vượt bậc và vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam. Đất nước độc lập, vai trò của giai cấp công nhân tiếp tục được khẳng định, với những đóng góp quan trọng, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với nhiều phong trào thi đua khác, đội ngũ công nhân "tay búa, tay súng", với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các nhà máy luôn sáng đèn, đỏ lửa, tích cực sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội vững chắc ở hậu phương miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến miền Nam, cùng quân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Sau gần 30 năm đổi mới, đến nay, giai cấp công nhân Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Với hơn 10 triệu lao động, giai cấp công nhân đóng góp quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy mọc lên khắp nơi cùng đội ngũ công nhân ngày càng hùng hậu. Có được điều đó là nhờ Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, chăm lo, vun đắp cho giai cấp công nhân, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Trung ương Đảng đã thảo luận, thông qua chiến lược xây dựng, phát triển giai cấp công nhân trong thời kỳ mới, trong đó khẳng định: "Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…". Các chính sách điều chỉnh chế độ lương, hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội nhằm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động… của Chính phủ, các địa phương thời gian qua chính là hiện thực hóa chiến lược của Đảng. Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, của người lao động ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, có một thực tế là trình độ, chất lượng, kỹ năng của người lao động Việt Nam vẫn hạn chế, đặc biệt là thiếu đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam xếp thứ 11/12 nước ở Châu Á được khảo sát. Năng suất lao động của nước ta cũng rất thấp so với các nước ngay tại khu vực Đông Nam Á, chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan… Đời sống công nhân ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa bảo đảm cả về vật chất, tinh thần. Số vụ tai nạn lao động những năm gần đây có xu hướng tăng mà nguyên nhân chính là do chủ sử dụng lao động, các cơ quan hữu quan chưa quan tâm thích đáng đến vấn đề này…

Việt Nam đã và đang từng bước hội nhập quốc tế sâu, rộng. Những ưu thế trước đây về lương nhân công rẻ nay đã không còn là thế mạnh cạnh tranh và đòi hỏi cấp thiết đặt ra là phải nâng cao chất lượng kỹ năng, năng suất lao động. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, ngoài nỗ lực học tập, rèn giũa kỹ năng của mỗi lao động, đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan nâng cao tinh thần trách nhiệm, chăm lo, bảo đảm điều kiện vật chất, tinh thần để giai cấp công nhân Việt Nam cống hiến tích cực, hiệu quả hơn nữa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng nhân dân cả nước đưa đất nước "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao bản lĩnh, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.