Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2023, dự kiến xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD

Đỗ Minh| 21/02/2023 16:28

(HNMO) - Nhận định rõ thách thức, khó khăn, đề ra giải pháp duy trì xuất khẩu gạo trong năm 2023 là nội dung chính tại Hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu gạo năm 2022 do Bộ Công Thương cùng các tỉnh, thành phố tổ chức sáng 21-2.

Quang cảnh hội nghị.

Mặt hàng nông sản chủ lực

Tại hội nghị, Bộ Công Thương nhấn mạnh, năm 2022, dù đối diện nhiều khó khăn, dịch bệnh trong nước, thế giới và những biến động chính trị, song xuất khẩu gạo vẫn đạt kết quả ấn tượng. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,13 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự chuyển dịch, khối lượng gạo chất lượng cao được xuất khẩu ngày một nhiều. Đặc biệt, năm 2022 tiếp tục ghi nhận xuất khẩu chủng loại gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, mặc dù số lượng nhỏ nhưng mang lại giá trị cao.

Điểm nổi bật trong xuất khẩu gạo năm 2022 là sự tăng trưởng ở hầu hết thị trường. Trong đó, thị trường EU ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, ở mức 95.510 tấn gạo, vượt hạn ngạch 80.000 tấn mà EU dành cho Việt Nam. Các thị trường truyền thống và trọng điểm vẫn tiếp tục được giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, châu Phi, Cuba… Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo sang thị trường Philippines.

Nhận định về thị trường xuất khẩu gạo năm 2023, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi Nguyễn Phúc Nam cho rằng, xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới. Những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tại nhiều quốc gia tăng lên nên giá gạo vẫn ở mức tốt. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động nắm bắt thời cơ, ổn định vùng nguyên liệu để bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.

Năm 2023, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I-II/2023 ổn định do các nước tăng cường dự trữ lương thực.

Đặc biệt, thị trường xuất khẩu gạo cũng đang rộng mở. Điển hình, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực bởi thị trường này dự kiến thu hút được những hợp đồng xuất khẩu gạo lớn. Hay như thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 EUR/tấn. Đây là lợi thế rất lớn, do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố cho biết đang hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, thiết lập các đơn hàng kết nối thị trường, tận dụng thời điểm giá xuất khẩu gạo cao.

Tuy nhiên, cùng với thuận lợi, các doanh nghiệp ngành gạo đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch rộ vụ đông xuân tới đây.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Phan Văn Chinh cho rằng, VFA và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do. Bộ Công Thương sẽ phối hợp các bộ, ngành cùng tháo gỡ về nguồn vốn, về chính sách cũng như những hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.

Trong chiến lược phát triển ngành lúa gạo từ nay đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm sản lượng, giảm số lượng gạo xuất khẩu và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Đây là định hướng đúng đắn về tái cơ cấu ngành lúa gạo, làm cơ sở để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành này sang chiều sâu; đáp ứng tiêu chuẩn cao về nhập khẩu và nhu cầu người tiêu dùng ở các nước phát triển. Năm 2023, ngành lúa gạo đề ra mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Năm 2023, dự kiến xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.