Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, trong phiên giao dịch gạo ngày 21 và 22-11, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 663 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 11.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024.
Giá xuất khẩu gạo tăng cũng kéo theo giá gạo nội địa tăng nhẹ. Khảo sát của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong tuần qua, giá lúa gạo tăng nhẹ từ 25-238 đồng/kg, tùy loại.
Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng tăng 57 đồng, lên mức 8.950 đồng/kg; lúa thường tại kho tăng 108 đồng, lên 10.700 đồng/kg; gạo trắng loại 1 tăng 42 đồng, lên 16.000 đồng/kg; gạo 5% tấm tăng 39 đồng, lên 15.500 đồng/kg; gạo 15% tấm tăng 25 đồng, lên 15.300 đồng/kg…
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam tăng giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt kỷ lục.
Theo thống kê của Bộ NN và PTNT, 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, giá trị gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Bộ NN và PTNT cho rằng, dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn, dự kiến trong năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.
Mặc dù giá xuất khẩu gạo tăng song Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần chủ động, tính toán trong quá trình thu mua thóc, gạo nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần phân tích, nắm rõ biến động tại các thị trường nhập khẩu để có định hướng thu mua, bảo đảm các đơn hàng xuất khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.