(HNMO) - Ngày 31-12, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Năm 2015, tình hình phát triển công nghiệp và thương mại đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và những tác động bất lợi từ thị trường quốc tế. Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, với tốc độ tăng 9,8% so với năm trước và là mức cao so với nhiều năm gần đây. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%, trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước và là kết quả đáng khích lệ trong tình huống giá dầu thô giảm sâu, gây ảnh hưởng lớn. Mức nhập siêu cả năm là 3,17 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức Quốc hội cho phép. Thị trường nội địa tăng trưởng khá, với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng 9,5% so với năm 2014. Đặc biệt, năm 2015 đánh dấu việc Việt Nam kết thúc đàm phán và chuẩn bị tham gia một số hịêp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam với Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á-Âu và TPP. Đây là những điều kiện thuận lợi mới cho doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu từ năm 2016 trở về sau.
Tuy nhiên, hoạt động công thương vẫn bộc lộ một số hạn chế, như: Sức cạnh tranh của DN còn hạn chế, hồi phục chưa đồng đều; công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm chậm được nâng cấp; tình trạng buôn lậu, hàng giả và vi phạm về quản lý thị trường chưa được đẩy lùi…
Năm 2016, ngành công thương phấn đấu đạt một số mục tiêu, gồm: Chỉ số sản xuất công nghịêp tăng 9-10%, kim ngạch xuất khẩu đạt 178 tỷ USD, tức tăng 10%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 11,5-12% so với năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá ngành công thương đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, kịp thời đóng góp vào mức tăng trưởng GDP cao tới 6,68% so với năm trước, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Riêng sự ổn định về thị trường, bảo đảm nguồn cung-cầu đã góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện tốt cho sản xuất và đời sống dân sinh.
Xét rộng hơn, ngành đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế 5 năm qua, đưa mức tăng trưởng GDP bình quân lên 5,9%/năm, trong đó thể hiện rõ xu hướng cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả về công tác tái cơ cấu nội ngành trong bối cảnh hợp tác và cạnh tranh của tiến trình hội nhập ngày càng gia tăng bên cạnh việc chú trọng việc hoàn thiện hệ thống cung cấp năng lượng, đưa điện về đảo xa, vùng sâu nhằm hỗ trợ sản xuất, dân sinh…
Thủ tướng yêu cầu ngành công thương tập trung hoàn thiện thể chế, rà soát, ban hành các quy định phù hợp thông lệ và cam kết quốc tế để hỗ trợ DN phát triển; nhất là thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ kết hợp tăng năng lực sản xuất. Năm 2016, ngành cần tận dụng tốt cơ hội tham gia các FTA để mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đặc biệt là xuất khẩu những sản phẩm chủ lực đồng thời ứng phó tốt với hàng rào kỹ thuật trong giao thương quốc tế. Ngành cũng cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ DN và lồng ghép với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết hợp với chống nạn buôn lậu, hàng giả.
Bộ cần tập trung tái cơ cấu, cổ phần hóa DN trong ngành, tạo chuyển biến về chất luợng hoạt động của DN thông qua tăng năng suất lao động và hiệu quả quản lý. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cải cách hành chính, với tinh thần tự giác và quyết tâm nhằm tạo ra khung khổ hoạt động thân thiện, thông thoáng; tạo niềm tin và thiết thực hỗ trợ DN phát triển bền vững; từ đó thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội…Làm được như vậy, ngành sẽ đóng góp xứng đáng hơn vào kết quả phát triển KT-XH năm 2016, hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu của năm cũng như giai đoạn 2016-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.