(HNM) - Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại châu Phi, Mỹ vừa công bố một chiến lược mới cho Lục địa đen, trong đó nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc tăng cường thương mại và hoạt động gìn giữ hòa bình tại các quốc gia ở khu vực này.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton công bố chiến lược mới về châu Phi tại Quỹ Di sản ở Washington (Mỹ). |
Trong bài diễn văn tại Quỹ Di sản ở Washington ngày 13-12, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, chiến lược mới sẽ đặt các lợi ích của Mỹ tại châu Phi lên hàng đầu và chấm dứt các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc "kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm". Theo đó, ưu tiên số 1 của Washington sẽ xoay quanh việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với châu Phi nhằm tạo dựng cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ và bảo vệ sự độc lập của các quốc gia tại châu lục này.
Việc chống lại các mối đe dọa khủng bố tại châu Phi là ưu tiên thứ hai trong chiến lược, phù hợp với chiến lược quốc phòng quốc gia của Tổng thống Donald Trump. Theo ông J.Bolton, Mỹ sẽ hỗ trợ chính phủ các nước châu Phi củng cố năng lực của các cơ quan an ninh. Mục đích là để các quốc gia này có thể tự chiến đấu với những phần tử cực đoan, khủng bố. Ngoài ra, ông J.Bolton cũng cảnh báo phương Tây cần thức tỉnh trước mối đe dọa của Nga và Trung Quốc - hai quốc gia mà Mỹ cho là đã lợi dụng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, mối quan hệ về chính trị... để mở rộng ảnh hưởng trên khắp Lục địa đen.
Thực tế, mối quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và châu Phi dưới thời Tổng thống D.Trump đã bị coi là một chiến lược quá hạn. Sau khi lên nắm quyền, phải mất hơn một năm để ông D.Trump gặp một số nguyên thủ quốc gia châu Phi và bổ nhiệm các vị trí ngoại giao quan trọng đối với khu vực này. Chính phủ các nước châu Phi cho rằng, việc bổ nhiệm chậm chạp là dấu hiệu cho thấy Nhà Trắng không mấy coi trọng châu Phi. Hiện tại, chính quyền ông D.Trump chỉ đưa ra một vài tuyên bố về châu Phi, trong khi dành phần lớn thời gian tập trung cho các vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tái áp đặt trừng phạt Iran...
Nhiều chuyên gia cho rằng, Washington đang tụt hậu so với Trung Quốc ở châu Phi, nơi Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường lợi ích an ninh. Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở Djibouti, cách không xa một căn cứ quan trọng của Mỹ, đồng thời xây dựng các con đường, đặt cáp quang và cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng lớn khác tại khu vực này trong gần thập kỷ qua.
Trong khi đó, năm 2018, Nga cũng đã thực hiện nhiều động thái để vun đắp mối quan hệ trên khắp lục địa, với nhiều phái đoàn cấp cao đàm phán bán vũ khí và thỏa thuận hợp tác quân sự. Tháng 9 vừa qua, Mátxcơva đã công bố thỏa thuận xây dựng một căn cứ hậu cần ở Eritrea trên Biển Đỏ và các công ty của Nga đã giành được các thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Sudan. Dễ dàng nhận thấy, Trung Quốc và Nga đang tìm cách gặt hái những lợi ích ngoại giao từ mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia châu Phi, khi phiếu bầu của các nước này tại Liên hợp quốc có thể đóng vai trò là đối trọng với Mỹ và các chính phủ phương Tây khác.
Như vậy, chính sách “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống D.Trump đang triển khai đã tạo điều kiện cho nhiều quốc gia gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi, đe dọa những lợi ích về chính trị, kinh tế và vị thế của Washington ở khu vực giàu tiềm năng này. Chưa rõ chiến lược mới về châu Phi sẽ phát huy hiệu quả đến đâu, nhưng các nhà phân tích cho rằng, Washington cần có chính sách can dự mạnh mẽ hơn và đặc biệt chú trọng duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với Lục địa đen nhằm chia sẻ an ninh và thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.