Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ Đức: Dồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Đào Huyền - Bạch Thanh| 14/10/2017 17:16

(HNMO) - Đợt mưa lũ những ngày vừa qua đã khiến nhiều xã của huyện Mỹ Đức ngập úng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân. Nhiều xã (nằm trong vùng lũ rừng ngang Hòa Bình đổ về) đang vô cùng khó khăn bởi nước ngập tới lưng chừng nhà ở...


Nhiều hộ dân còn bị cô lập

Tính đến cuối ngày 14-10, tình hình úng ngập vẫn diễn ra nặng nề tại một số xã vùng trũng. Cùng với công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, nhân dân và lãnh đạo huyện Mỹ Đức tiếp tục chủ động xây dựng các phương án chống ngập úng trước dự báo mưa lớn sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới.

Vốn là xã trũng nhất của huyện, lại nằm ngay đầu vùng lũ rừng ngang Hòa Bình đổ về, An Phú trở thành biển nước lớn, ngập tràn nhà dân. Bà Nguyễn Thị Liên ở thôn Đồng Chiêm (xã An Phú) vừa nhận được những thùng mì tôm tiếp tế của huyện Mỹ Đức do Đoàn thanh niên huyện chuyển vào, nghẹn ngào nói: "Mưa lớn quá, cùng với nước từ Hòa Bình đổ về, ngay ngày mưa đầu tiên đã gây ngập toàn bộ hệ thống giao thông ngoài đồng, sau đó tràn vào thôn, xóm, nhà ở... Nhà cao thì ngập đến 1/3 nhà, nhà thấp thì ngập đến mái, số gia đình ngập nửa nhà nhiều vô cùng...".


Theo Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Bá Minh, hiện toàn xã còn hơn 600 hộ thuộc các thôn như: Ái Nàng, Đồng Chiêm, Thanh Hưng, Nam Hà... ngập trong nước, trong đó hai thôn Nam Hưng và Thanh Hà đã bị cô lập hoàn toàn 3 ngày qua. Hiện nước đang rút mạnh và UBND xã An Phú, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai xã đã huy động tối đa về nhân lực, vật lực để ứng cứu các vùng này, nhưng do nước lớn, nên việc ứng cứu các vùng lẻ gặp vô vàn khó khăn và vẫn đang bị ngập sâu trong nước. Ước tính sơ bộ, gần 60ha cây vụ đông và các loại cây trồng khác, hơn 200ha thủy sản có khả năng mất trắng; gần 10.000 con gia cầm và 60 con lợn đã bị chết; 7 trạm bơm bị ngập... 

Tại xã Hương Sơn, cán bộ và nhân dân nơi đây cũng đang huy động toàn bộ lực lượng khắc phục tình trạng ngập úng trên diện rộng. Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Mưa lũ những ngày vừa qua đã khiến mực nước hồ Hương Tích dâng cao, nhiều đoạn tràn đê, gây ngập úng 30% địa bàn dân cư xã, gây thiệt hại lớn về hoa màu, chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản (271ha); 18 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bị ngập. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng trên 50 tỷ đồng. Xã đã tập kết 70 khối cát và 3.000 bao tải để chống tràn cho đê. Bà Đồng Thị Thơ ở thôn Tiên Mai (xã Hương Sơn) chia sẻ: "Ruộng ngô, đậu tương của gia đình mới trồng nay bị ngập sâu coi như hỏng hết. Vụ đông năm nay gia đình xác định mất trắng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ trong thôn"...

Tại khu vực thôn Chân Chim (xã Phúc Lâm), mặc dù nước đang rút mạnh nhưng rất nhiều trang trại trên địa bàn xã vẫn chìm trong biển nước. Ông Nguyễn Hồng Nhiệm, chủ trang trại đa canh trên 6.000m2 ngậm ngùi nói: "Nước rừng ngang bất ngờ đổ về trong đêm. Không ngờ nước lớn và lên nhanh đến vậy, đã nhấn chìm toàn bộ khu nuôi ba ba, thủy sản, gà, lợn..., nhiều chỗ nước lên cao tới 1,5-1,6m. Gia đình tôi "trắng tay" chỉ trong một đêm! Giờ tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ để có thể vực lại sản xuất sau mưa úng”.

Cùng chung cảnh ngộ, bà Đặng Thị Hiêm ở xã Lê Thanh cho hay: Đã 3 ngày nay, gia đình bà không thể đến khu vực trang trại vì nước ngập sâu, đi lại nguy hiểm. Mặc dù đã dùng lưới quây, che chắn diện tích nuôi trồng thủy sản nhưng với tình trạng mênh mông nước thế này, thiệt hại sẽ khó lường...

Cứu trợ nhu yếu phẩm cho bà con vùng ngập nước


Tập trung khắc phục

Theo UBND huyện Mỹ Đức, tổng lượng mưa trên địa bàn từ ngày 9-10 đến ngày 14-10 là 446mm. Trong đó, tại An Mỹ là 357mm, Quan Sơn 486mm, Bạch Tuyết 495mm… Tính đến ngày 14-10, mưa lớn đã khiến 5.100m đê bị tràn tại các địa bàn: Mỹ Hà, hồ Quan Sơn, hồ Vĩnh An, vùng 700, đê bao Hương Sơn... Một số điểm bờ hữu sông Đáy do nước dâng cao có nguy cơ tràn và sạt lở như: Bục phai cống Quán Sêu xã Đại Hưng; lở khoảng 10m tại xã Xuy Xá; 20m tại xã Phùng Xá có nguy cơ bị sạt trượt; sạt lở đoạn K3+600-K4 phía trái tuyến giáp núi; sạt lở toàn bộ rãnh dọc, lề đất (bị nước cuốn trôi); nước chảy xói mạnh làm sập khoảng 30m và hơn 100m đường bê tông bị ảnh hưởng, gây mất an toàn giao thông tại tuyến đường Tam Chúc - Khả Phong.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết: Những ngày qua, toàn huyện đã huy động hơn 2.100 người, sử dụng khoảng 24.700 bao tải, khối lượng khoảng 1.083m3 cát để chống úng ngập. Tại thời điểm này, đã di dời được 2.738 hộ trong số 3.313 nhà bị ngập. Trong đó, 1 nhà cấp 4 bị sập (khoảng 60m2), hư hỏng 760m tường rào và 280m2 chuồng trại; khoảng 2.150ha diện tích cây vụ đông và 1.800ha thủy sản bị ngập trắng; khoảng 64.800 con gia súc, gia cầm bị chết đuối; sạt lở khoảng 8m tỉnh lộ 424 (giáp Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hợp Tiến); sập 2 lò gạch và bị ngập nước 6 lò. Rất may, đến thời điểm này, không có thiệt hại về người.

Để khắc phục tình trạng ngập úng, huyện Mỹ Đức đã vận hành 8 trạm bơm tiêu úng với 28 máy hoạt động, tổng công suất 95.400m3/h. Đặc biệt, huyện đã khắc phục xong các sự cố: bục phai cống Quán Sêu, nguy cơ sạt lở tại xã Phùng Xá. Huyện đã hỗ trợ 2.300 bình nước uống, 2.300 thùng mì tôm, 2.300 cặp nến, 600 gói bột canh cho nhân dân các vùng ngập...

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức cho biết, hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện tiếp tục kiểm tra và chỉ đạo kịp thời khi có tình huống xảy ra để bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Cảnh sát Giao thông huyện và Công an các xã: Hợp Tiến, Hợp Thanh, An Phú... bố trí lực lượng thường trực ở hai đầu đập tràn Cầu Dậm, Cầu Bãi Giữa, đường Hồ Chí Minh (đoạn An Phú đi Hợp Thanh) để cảnh báo, ngăn không cho người và phương tiện qua đập tràn...

Trước mắt, huyện tiếp tục tổ chức các đoàn cứu trợ vùng bị cô lập do ngập nước các nhu yếu phẩm như: mì tôm, nước sạch, thuốc chữa bệnh..., giúp người dân bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, có giải pháp nhanh chóng thu gom xác động vật bị chết do mưa lũ, xử lý môi trường kịp thời. Tại các đoạn đê xung yếu, phân công trực 24/24h để cập nhật tình hình và có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, dự kiến, từ 10 đến 15 ngày nữa nước mới rút, trong bối cảnh theo dự báo, bão số 11 sắp tới sẽ tiếp tục gây mưa lớn. Bởi vậy, huyện đang dồn toàn bộ lực lượng để ứng phó với mưa, bão, lũ..., đặc biệt là bảo đảm tính mạng và tài sản cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Đức: Dồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.