(HNMO) – Khá nhiều đơn vị lữ hành du lịch cho rằng, với sản phẩm du lịch thiếu hấp dẫn hiện nay, lượng khách lưu trú dài ngày tại Hà Nội đang giam dần.
* 3 ngày ở Hà Nội đi – chơi – xem gì?
Sáng nay (23-7) Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội (VH,TT&DL) tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch cho các thị trường Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Belarusia, nhằm tìm ra những biện pháp cho các gói kích cầu du lịch. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành triển khai Nghị quyết 46/NQ-CP của chính phủ về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu và Belarusia được ban hành vào ngày 18-6 vừa qua.
Khách lưu trú dài ngày tại Hà Nội đang giảm dần do các sản phẩm du lịch Hà Nội quá cũ |
Tại hội nghị này, rất nhiều ý kiến từ các công ty lữ hành, khách sạn, đơn vị vận chuyện “hiến kế” cho Sở VH,TT&DL Hà Nội những giải pháp, công việc thiết thực, cụ thể để tiến hành gói kích cầu này sao cho hiệu quả. Với thực tế, hiện nay các sản phẩm du lịch Hà Nội khá cũ kỹ, ít có sự thay đổi hấp dẫn khiến cho du khách quốc tế nên lượng khách đến Hà Nội lưu trú dài ngày giảm hẳn. Nhiều ý kiến cho rằng, khách đến Hà Nội 2 – 3 ngày là chán vì không biết đi đâu, xem gì, ăn gì.
Bà Đỗ Mai Hương, đại diện công ty du lịch Hồ Gươm chia sẻ, việc miễn visa đối với những công dân 5 nước Tây Âu và Belarusia chỉ là vấn đề thủ tục, cái chính để giữ khách và kích cầu khách du lịch đến Hà Nội vẫn là sản phẩm du lịch. Bà Hương chia sẻ, hiện nay việc làm tour cho khách lưu trú ở Hà Nội 2 đêm là khá khó khăn vì 20 năm nay khách đến Hà Nội chỉ loanh quanh vài điểm Hồ Gươm, Lăng Bác, Văn Miếu là hết. Ngày trước, các công ty lữ hành cũng khai thác tour tuyến đưa khách du lịch tham quan các làng nghề truyền thống Hà Nội như lụa Vạn Phúc, làng Đồng Kị, tuy nhiên đến nay làng lụa Vạn Phúc lại chủ yếu từ Trung Quốc, làng Đồng Kị thì quá hiện đại vì lẽ đó những tour về làng nghề truyền thống cũng giảm dần. Bà Hương đề nghị lãnh đạo Sở VH,TT&DL Hà Nội nên tìm cách khôi phục lại các làng nghề với nhiều sản phẩm du lịch phong phú và thiết thực hơn.
Đồng tình quan điểm này, đại diện của công ty lữ hành VietnamTourism Hà Nội chia sẻ, Hà Nội nên tổ chức thêm nhiều show biểu diễn tổng hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống như ca trù, chầu văn, chèo có độ dài từ 30-40 phút để các công ty lữ hành đưa khách đến. Vị đại diện này cũng cho biết, bao năm nay khách đến Hà Nội chỉ quanh quẩn xem múa rối nước, điều này khiến cho khách du lịch dễ nhàm chán khi đến Hà Nội.
Tiếp thu những ý kiến về việc Hà Nội nên xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng hơn, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội – Trương Minh Tiến cũng nhận định, một trong những việc cần phải làm ngay, đó là nên đưa những món ăn đậm đặc văn hóa ẩm thực Việt Nam vào các nhà hàng 3 – 5 sao bởi hiện nay tại những khách sạn, nhà hàng lớn vẫn chú trọng những món ăn Âu hơn là món ăn Việt. Đây là hạn chế và thiếu sót khi quảng bá văn hóa, ẩm thực của Việt Nam và Hà Nội. “Nhiều món ăn Hà Nội được đánh giá là ngon nhất Thế giới, thậm chí đã có một chuyên gia ẩm thực quốc tế nói rằng Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới, ý nói là các món ăn của Việt Nam rất ngon, vậy tại sao ta lại không tăng cường thực đơn những món ăn truyền thống của mình”, Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.
* Hà Nội cam kết các sản phẩm du lịch sẽ giảm tối thiểu 10%
Tại Hội nghị bàn về việc triển khai các gói kích cầu du lịch, đa phần các đơn vị lữ hành, khách sạn, các doanh nghiệp vận tải bày tỏ sự nhất trí cao trong việc cùng phối kết hợp để thực hiện những “gói” giảm giá, kích thích du khách đến Hà Nội. Tuy nhiên, việc làm này không thể chỉ có riêng Hà Nội làm mà cần có sự tham gia phối kết hợp đồng bộ với các địa phương khác. Đặc biệt là vấn đề quản lý giá cả.
Hoàng Thành Thăng Long vẫn chưa khai thác hết tiềm năng |
Bà Đặng Thị Thọ, Trưởng đại diện của Công ty lữ hành Phoenix cho biết, việc giảm giá hiện nay thực hiện chưa đồng bộ. Hà Nội có thể giảm sâu từ 10-30% các dịch vụ nhưng nếu như những tỉnh khác không cùng giảm giá thì cũng khó có thể thực hiện gói kích cầu khách đến Việt Nam. Bà Thọ cho biết, hiện nay giá dịch vụ tại Hạ Long và SaPa (Lào Cai), Ninh Bình cao ngất ngưởng khiến cho nhiều khách du lịch đến đều ái ngại. Bà Thọ đề nghị, Sở VH,TT&DL Hà Nội nên mời các địa phương khác cùng ngồi lại với nhau để chấn chỉnh lại giá cả.
Ngoài ra, theo bà Thọ, việc kêu gọi hệ thống khách sạn trên địa bàn Hà Nội cũng như phí tham quan một số địa điểm du lịch cùng thực hiện các gói giám giá cũng là vấn đề vì thực tế là nhiều khách sạn không thực hiện việc giám giá dù đã có chủ trương của Sở. Phí tham quan ở nhiều địa điểm vẫn khá cao.
Đại diện cho Hội vận chuyển Hà Nội thì cho biết, với chủ trương kích cầu du lịch hiện nay, khối vận chuyển sẵn sàng vào cuộc với một nhóm thành lập riêng để phục vụ cho “gói kích cầu”, sẵn sàng giám giá sâu cho khách. Tuy nhiên, vị đại diện này đề nghị, cần phải có sự rõ ràng khi hoạt động để nhóm này có cơ chế hoạt động riêng.
Tiếp thu các ý kiến của nhiều đơn vị lữ hành, vận chuyển, khách sạn, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội khẳng định, đợt tới Sở sẽ trực tiếp chỉ đạo việc thành lập những nhóm kích cầu với các hoạt động cụ thể. Các nhóm này sẽ xây dựng và thực hiện các gói, tour riêng biệt để phục vục tốt nhất cho du khách. Sở cũng yêu cầu, các các doanh nghiệp (lữ hành, khách sạn, vận chuyện) cam kết giảm tối thiểu 10% giá cả.
Hy vọng, với việc cùng chung tay vào cuộc của các đơn vị làm du lịch trên địa bàn Hà Nội, du lịch Hà Nội sẽ khởi sắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.