(HNM) - Ngày 22-11-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, theo đó yêu cầu: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị...”.
Quá trình triển khai những năm qua cho thấy, đây là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Do đó, Chỉ thị đã được triển khai rộng khắp và riêng với Hà Nội đã thu được kết quả hết sức tích cực.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển của mỗi địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các tổ chức chính trị - xã hội cũng phối hợp hiệu quả hơn với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc giám sát, triển khai thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn này...
Trong 5 năm vừa qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân hơn 13.200 tỷ đồng cho hơn 487 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và đẩy lùi hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị cũng cho thấy một số bất cập. Nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách rất lớn, nhưng nguồn lực để thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhìn nhận một cách thẳng thắn, ở một vài nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng hoạt động ủy thác cấp xã chưa đồng đều...
Để Chỉ thị số 40-CT/TƯ phát huy hiệu quả hơn nữa trong cuộc sống, bên cạnh việc ưu tiên dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, các đối tượng chính sách thì việc triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát cũng như nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người dân để điều chỉnh, bổ sung cơ chế cho phù hợp là hết sức cần thiết.
Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng cao hơn nữa nhận thức trách nhiệm, xác định việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, bảo đảm vốn tín dụng chính sách được dành cho đúng đối tượng thụ hưởng, được sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.
Chỉ khi cấp ủy, chính quyền các cấp xác định tín dụng chính sách là mục tiêu ưu tiên nhất quán thì khi đó, Chỉ thị số 40-CT/TƯ mới thực sự phát huy được hết ý nghĩa trong đời sống xã hội; góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.