(HNM) - Ngày 19-9, Thường trực Ban soạn thảo Đề án
So với dự thảo trình Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), dự thảo lần này đã chỉnh sửa, bổ sung và làm sáng tỏ nhiều nội dung; thẳng thắn, đúng mức hơn trong đánh giá thực trạng GD-ĐT Việt Nam; quan niệm và các quan điểm chỉ đạo đổi mới được trình bày rõ hơn...
Chú trọng quản lý chất lượng đầu ra, “thi không phải để trả bài” mà là để kiểm tra năng lực của học sinh... là những giải pháp sẽ giúp giải quyết bệnh thành tích, hướng tới “thực học, thực việc”. Ảnh: Nhật Nam |
Đổi mới từ tư duy
Về thực trạng của GD-ĐT, dự thảo đề án đã nêu ra 6 hạn chế, yếu kém như giáo dục còn nặng về thành tích, việc đánh giá thiếu thực chất, lạc hậu, chương trình giáo dục coi nhẹ thực hành, quản lý còn yếu kém, có sự bất cập về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên… Đại diện Ban soạn thảo cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, có tính cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm cho đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá), các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; đổi mới ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, cả ở trung ương và địa phương, ở mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, theo ông Bùi Mạnh Nhị, đại diện Ban soạn thảo, công tác đổi mới cần được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước. Trên cơ sở đó, đề án đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có thể coi "đổi mới tư duy giáo dục", "đổi mới quản lý giáo dục", với các giải pháp "đổi mới chính sách, cơ chế tài chính" và "phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục" là các giải pháp then chốt, "đổi mới kiểm tra, thi và đánh giá" là khâu đột phá.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, liên quan đến đổi mới quản lý giáo dục, đề án đã thể hiện tinh thần bảo đảm dân chủ, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, coi trọng quản lý chất lượng. Điều đáng chú ý là các cơ quan quản lý giáo dục địa phương được chủ động quyết định hoặc tham gia trực tiếp về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Theo đó, quản lý ngành được tách khỏi quản lý cơ sở giáo dục, không sa vào quản trị giáo dục. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, thay cho kiểu quản lý nặng về chỉ huy, kiểm tra xử lý như trước kia, cấp dưới sẽ được phân quyền quản lý, cơ sở được tự chủ. Khi kiểm tra giám sát, cơ sở chỉ cần bảo đảm theo đúng hành lang pháp lý chứ không nhất thiết phải đúng ý cấp trên.
Hướng tới "học cho mình"
Nhiệm vụ và giải pháp đổi mới chương trình giáo dục đặt ra mục tiêu chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó, vấn đề giảm tải được đặt ra thông qua đổi mới theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chủ trương tích hợp sẽ khiến số môn học giảm đi, nội dung được xem xét chu đáo, không chồng chéo; cách thiết kế chương trình theo hướng phân hóa sẽ phát huy năng lực riêng của từng học sinh. Những điều này sẽ khắc phục tình trạng quá tải. Đổi mới quan niệm về phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng được Ban soạn thảo khẳng định là một cách giảm tải. Thay cho quan niệm hạn hẹp là chú trọng "học được cái gì", quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải phát hiện được nhân tố mới để khuyến khích người học, nhận ra các khó khăn của người học để giúp họ vượt qua, thông qua đó điều chỉnh phương pháp dạy học.
Nằm trong một giải pháp riêng, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT được xác định theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT để làm căn cứ tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Chú trọng quản lý chất lượng đầu ra, "thi không phải để trả bài" mà là để kiểm tra năng lực của học sinh, đó cũng là một trong những giải pháp mà theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là sẽ giúp giải quyết bệnh thành tích, hướng tới "thực học, thực việc" - học cho mình, để có thể làm nghề.
Ban soạn thảo đề án cũng đã nhấn mạnh tới việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, coi đó là giải pháp then chốt nhằm bảo đảm cho sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Theo ông Bùi Mạnh Nhị, trước hết, đề án "mạnh dạn" sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, "cỗ máy cái" đào tạo người thầy để khắc phục tình trạng phân tán, tỉnh nào cũng có trường CĐ sư phạm, dẫn đến thừa nhân lực mà chất lượng lại không bảo đảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.