Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, như thường lệ, trẻ em Hà Nội lại theo cha mẹ đến các điểm vui chơi trong thành phố. Quanh không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, các cửa hàng sách vẫn là một điểm đến ưa thích dù bầu không khí tại đó không còn tấp nập như khi mới bước vào kỳ nghỉ hè. Loáng thoáng trong tiếng nói cười là lời nhắc của phụ huynh, rằng “mua ít thôi con vì hết hè rồi”...
Sự đọc - sự học, nhẽ nào chỉ diễn ra theo “mùa”?
Trong tuần đầu tháng 9, học sinh cả nước đã chính thức bước vào năm học mới. Với đa số học sinh, những ngày nghỉ hè, những cuộc đi chơi xa cùng gia đình và nhiều trò vui cùng chúng bạn đã tạm khép lại, nhường chỗ cho việc học, những giờ học chính khóa và có thể cả việc học thêm. Nhưng thú vui đọc sách - một cách giải trí tích cực của trẻ em thì không thể ngưng, ngay cả khi trống trường đã điểm, đơn giản bởi ngày nay, quan điểm “sự học là trên hết” đang được nhìn nhận một cách cởi mở, khoa học và thực tế hơn. Đọc cũng là học, mà sự học vốn dĩ là việc cả đời, không thể nói đến lúc nào thì dừng lại, và cũng không nên đặt vấn đề về việc trẻ ngừng đọc khi năm học mới đã bắt đầu.
Văn hóa đọc hình thành dựa trên cơ sở hành động của mỗi người, vốn bắt đầu từ nhận thức về sự đọc, cách đọc và loại sách phù hợp với lứa tuổi. Nhận thức như thế nào thì hành động như thế ấy. Một gia đình mà bố mẹ không thích đọc, không coi trọng việc đọc thì con trẻ có xuất phát điểm chậm so với bạn bè khi tiếp cận với sách. Một nhà trường có lãnh đạo không quan tâm xây dựng văn hóa đọc, thư viện được duy trì cho phải phép thì không những sự đọc thường xuyên khó trở thành nếp, mà ngay cả những nhà tài trợ sách cho thư viện trường học cũng khó tiếp cận...
Đầu tuần này, tại Trường Đại học Hà Nội diễn ra chương trình “Hội sách mùa khai trường 2019”. Dòng thông tin giới thiệu về đơn vị tổ chức hoạt động này có nêu “Thư viện Đại học Hà Nội - giảng đường thứ hai của sinh viên Trường Đại học Hà Nội”. Dù không dễ khẳng định dạng hoạt động này có hiệu quả như thế nào đối với sự đọc của giới trẻ và văn hóa đọc nói chung, nhưng ít nhất thì cũng có thể thấy quan điểm tích cực từ phía tổ chức sự kiện, rằng sự đọc cũng là học và việc đọc không thể ngưng trệ với lý do “hết hè rồi”. Trong khi đó, tại cuộc tọa đàm về hình thành và duy trì thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh cuối tháng 8 vừa qua, nhiều chuyên gia, giáo viên và phụ huynh đã đề xuất với ngành Giáo dục về việc đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính của nhà trường. Rõ ràng quan điểm đó cần được lan tỏa, hướng đến đích chung về nhận thức liên quan tới sự đọc, văn hóa đọc.
Mặt khác, ngay cả khi nhìn nhận vai trò của sự đọc có sự tách rời so với việc học, chúng ta cũng không thể phủ nhận ý nghĩa giải trí tích cực và sự hình thành nhân cách trong việc đọc của trẻ sau những giờ học trên lớp. Nhìn rộng ra, sự đọc không chỉ giúp trẻ có thêm hình thức giải trí, mà còn giúp chúng rèn luyện khả năng tư duy, cải thiện sự tập trung, bồi dưỡng kiến thức, phát triển trí tưởng tượng... Điều đó, không nghi ngờ gì nữa, là một sự bổ sung tuyệt vời cho những bài học trên giảng đường.
Bởi vậy, đừng ngần ngại tạo điều kiện và cổ vũ trẻ đọc sau những giờ lên lớp; đọc ở nhà và trong những lần đi chơi. Hãy khuyến khích trẻ tìm tới thư viện và tặng chúng một vài cuốn sách hay trong ngày sinh nhật hoặc dịp lễ trọng đại, ngày đầu năm mới. Người lớn cần “hy sinh” thời gian để cùng đọc với trẻ, giúp chúng chọn sách phù hợp, hướng dẫn trẻ cách đọc “thủng” sách, liên hệ điều đã đọc với những gì đang diễn ra ngoài đời...
Sách là tri thức. Đọc sách cũng là học. Bởi thế, chúng ta không thể gieo vào đầu con trẻ ý nghĩ coi nhẹ sự đọc bằng cách nói “hết hè rồi...” hay nêu một lý do nào khác. Những chương trình quảng bá cho văn hóa đọc, kiểu như “Đọc sách xuyên hè” và những ngày hội sách, ngày hội văn hóa đọc liên quan tới trẻ em có thể được đẩy mạnh trong dịp nghỉ hè của học sinh, nhưng cũng cần duy trì vào những dịp khác trong năm, bởi đó cũng là một cách giúp trẻ không lơ là việc đọc - việc học.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.