Văn hóa

Thổi “luồng gió mới" vào văn hóa đọc: “Truyền lửa” từ mô hình các câu lạc bộ

Vân Lam 16/09/2024 - 12:11

Khi các ngành công nghiệp hình ảnh ngày càng phát triển, thế hệ trẻ càng bị cuốn hút vào vô số kênh giải trí hấp dẫn trên internet và truyền hình.

Nếu không có sự quan tâm gợi ý, hướng dẫn từ người lớn, trẻ em không có niềm vui tiếp xúc với sách và xây dựng thói quen đọc. Các câu lạc bộ (CLB) đọc sách ra đời đã và đang góp phần "truyền lửa" đọc và niềm yêu thích sách đến giới trẻ.

lymo-kid-books-2.jpeg
Một buổi đọc của Dự án Lymo Kid Books.

Nở rộ các câu lạc bộ sách trực tiếp và trực tuyến

Thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, những năm vừa qua tại Hà Nội, hệ thống thư viện đã có nhiều đổi mới, các mô hình phát triển văn hóa đọc được nhân rộng.

Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội xây dựng các không gian đa chức năng, mang đến trải nghiệm đa dạng cho người đọc, tổ chức thường xuyên các hoạt động tương tác và đưa xe thư viện lưu động về các vùng nông thôn.

Ở nhiều trường học, các CLB đọc sách đã được thành lập. Đó là CLB Yêu thích đọc sách của Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, CLB Bạn đọc của Trường THCS Phú Thượng, group “Đọc sách cho tôi, cho bạn” của Trường THCS Vân Canh, CLB “Đọc sách cùng cô” của Trường THCS Đô Thị Việt Hưng, CLB Đọc sách và trải nghiệm của Trường THCS Đông La, CLB Sách và Hành động của Trường THPT Hoài Đức A... Các CLB thường xuyên tổ chức giới thiệu sách, phát động chương trình đọc sách, chia sẻ cảm nhận về cuốn sách yêu thích…

Các CLB đọc sách góp phần thổi luồng sinh khí mới trong hệ thống thư viện nhà trường, giúp hoạt động thư viện hiệu quả hơn, số lượt đọc và mượn sách gia tăng, góp phần ươm mầm tri thức. Tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương, chủ nhân giải thưởng Thiếu nhi Dế mèn năm 2023 với tác phẩm “Bố con cà khịa và những bức thư” là cô bé rất thích đọc. Ở trường, Thụy Phương là thành viên của đội thủ thư giúp sắp xếp, bảo quản sách, kết nối các bạn, góp phần lan tỏa giá trị của sách.

Những năm gần đây, cùng với mô hình CLB đọc sách trực tiếp là sự xuất hiện của vô số hội, nhóm, CLB đọc sách trên không gian mạng. Chẳng hạn như “Đọc sách mỗi ngày”, “Cộng đồng đọc sách Việt Nam”, “Nghiện sách”, “Trạm review sách”, “Cộng đồng review sách hay”, “Câu lạc bộ Đọc sách Hà Nội offline”, “Làng sách”, “Xóm sách”, “Hiên sách”, “Team yêu sách”, “Trích dẫn sách hay”, “Khen sách hay, chê sách dở”, “Đọc sách giữa bầu trời”, “Biệt đội mọt sách”, “Yêu sách xưa”, “Mê sách mới”, “Sách hay tôi đọc”, “GenZ đọc sách gì?”, “15 phút đọc sách mỗi ngày”… Trong đó, có nhiều nhóm thu hút được số lượng thành viên tham gia khá lớn. Ở hầu hết các nhóm này, các thành viên tham gia cùng trao đổi, chia sẻ, giới thiệu, bình luận về sách và các vấn đề liên quan đến sách.

Ngoài ra, người hâm mộ sách, đặc biệt là các dòng sách văn học, còn có thể tìm đến các hội nhóm theo thể loại sách, theo tác giả hay đối tượng độc giả, như “Hội văn học kinh điển”, “Hội những người yêu thích truyện thiếu nhi”, “Hội thích truyện trinh thám”, “Sách chuyên khảo Khoa học xã hội và nhân văn”, “Yêu sách ngoại văn”, “Dân truyện tranh”, “Những người thích đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh”, “Sách hay cho con”… Nhiều bài viết trong các group "đầy chuyên môn” này phân tích, mổ xẻ chi tiết tác phẩm hết sức hấp dẫn, độc đáo, có góc nhìn hài hước, hoặc cập nhật thông tin về tác giả, sách mới xuất bản rất nhanh và khá đầy đủ.

Nhận thấy hiệu quả từ các group trên mạng xã hội, không ít đơn vị xuất bản, đơn vị liên kết cũng đã lập các nhóm của riêng mình, như “Sách văn học Kim Đồng”, “Omega Book club”, “Tủ sách văn học” (Sbooks), “Góc sách Bestbooks”, “Đông A Editions”, “Nhã Nam reading club”… Đó là “kênh” khá hiệu quả để phía làm sách lắng nghe phản hồi từ bạn đọc, giới thiệu và quảng bá sách mới, tổ chức các cuộc thi nhằm thu hút và “giữ chân” độc giả.

sach-nha-minh-4.jpg
Chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình” trong một buổi chia sẻ về đọc sách với các bạn nhỏ tỉnh Cao Bằng.

“Khởi nghiệp” cùng các CLB đọc, tại sao không?

Ở các hội, nhóm, CLB đọc sách, các thành viên vốn đã là người quan tâm và thích đọc sách. Nhưng, để phát triển văn hóa đọc thì điều quan trọng là thu hút được ngày càng nhiều người quan tâm đến sách, tạo thói quen đọc. Nhiều năm nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện các bài viết mà qua đó, có thể thấy bình quân số đầu sách mà người Việt đọc mỗi năm là quá ít. Phần lớn học sinh không được rèn thói quen đọc, không hiểu rõ về lợi ích lớn lao của việc đọc sách cũng như cách xây dựng tủ sách gia đình, thiết lập góc đọc sách… Với nhiều gia đình, nhiều trường học, việc đọc sách là thứ yếu.

Theo tác giả cuốn sách “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon” Nguyễn Thị Ngọc Minh, khi trẻ bị bủa vây bởi các thiết bị nghe nhìn thông minh, và giờ học chính khóa lẫn ngoại khóa chiếm trọn thời gian của chúng thì “hình ảnh một đứa trẻ chăm chú bên trang sách quên thời gian bỗng trở thành điều xa xỉ”.

Nếu không có sự quan tâm của người lớn thì ngay ở độ tuổi tò mò và thích khám phá, trẻ đã mất đi cơ hội tiếp xúc với sách một cách hứng khởi. Lớn hơn, nếu không có gợi ý và hướng dẫn từ người lớn, trẻ khó cảm nhận được cái hay từ sách, và tất nhiên là khó hình thành thói quen đọc hằng ngày. Đó là một phần lý do để mô hình CLB đọc sách xuất hiện, thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.

“Đọc sách cùng con” của Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh có lẽ là mô hình CLB đọc được mở ra sớm nhất tại Hà Nội. Từ những buổi sinh hoạt đầu tiên, còn chưa có địa điểm cố định nhưng hình thức đọc sách tương tác đầy cuốn hút cùng sự tham gia của các khách mời là các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi đã tạo nên nét độc đáo cho CLB.

Tiến sĩ Thụy Anh đã thiết kế những buổi đọc theo chủ đề, vừa khơi gợi trí mò và khả năng khám phá của trẻ, vừa khuyến khích trẻ tự tin, mạnh dạn tham gia và trả lời, đồng thời kích thích trẻ tưởng tượng theo từng trang sách. Năm 2014, CLB "Đọc sách cùng con" được chọn là Mô hình hoạt động hiệu quả trong khuôn khổ Giải thưởng mô hình hoạt động hiệu quả lần thứ 10, giải thưởng Quốc tế Dubai.

Ban đầu, CLB "Đọc sách cùng con" là mô hình hoạt động xã hội phi lợi nhuận, sau đó trở thành doanh nghiệp xã hội hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho sự hình thành, củng cố và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng nói chung và của trẻ em nói riêng.

“Đọc sách cùng con” không chỉ tổ chức các hoạt động định kỳ như chương trình giới thiệu sách hay; gặp gỡ tác giả, dịch giả; các cuộc thi, giao lưu, sân khấu hóa tác phẩm…, mà còn có các hoạt động về xây dựng tủ sách, hỗ trợ sáng tác, tổ chức trại hè thiếu nhi Ecocamp.

Chào đời muộn hơn, năm 2014, là dự án phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài duy trì một mô hình thư viện thân thiện, tương tác, đa chức năng và miễn phí cho cộng đồng tại phố Dịch Vọng (Cầu Giấy), dự án còn tổ chức nhiều CLB đọc cho học sinh, như "Đọc thông minh", "Đọc vui", "Đọc khám phá"…

Năm 2015, doanh nghiệp xã hội Edu For Life chính thức được thành lập, tiếp tục dự án "Sách ơi mở ra", ngoài ra còn có các dự án như "Dạy văn sáng tạo", "Viết văn hiệu quả", "Trẻ em viết cho trẻ em", Trại hè Bookcamp…

Sự chuyển đổi mô hình của những dự án nói trên cho thấy hiệu quả của mô hình CLB đọc sách. Phan Lý, người sáng lập dự án Lymo Kid Books chia sẻ: “Dù Lymo Kid Books thành lập chưa lâu và còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi tự tin với con đường mình đang đi. Tôi cũng tin rằng công việc định hướng đọc và thiết kế chương trình đọc sách mà tôi đang làm hoàn toàn có thể là một nghề trong xã hội”. Thực tế, những ai quan tâm đến văn hóa đọc và sách thiếu nhi có thể thường xuyên được gặp những diễn giả mà “nghề nghiệp” hiện tại của họ chưa có tên riêng để gọi, nhưng họ đã và đang ngày ngày góp phần lan tỏa văn hóa đọc, như dịch giả, tác giả Nguyễn Quốc Vương, nhà giáo dục Phạm Thị Hoài Anh…

Tại các gia đình và nhà trường hiện nay, các hoạt động đọc có thể tạo nên sự hứng thú cho trẻ, như đọc to thành tiếng, đọc cùng nhau, đọc có tương tác, thảo luận… hầu như không được thực hiện. Không có nhiều người lớn đủ thời gian và kỹ năng để hướng dẫn trẻ đọc. Các mô hình CLB đọc, bởi thế, có nhiều cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, cũng như phần lớn không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật khác, để đi đến thành công với mô hình CLB đọc sách thì cần phải kiên trì. Như Chủ nhiệm dự án “Sách nhà mình” Lê Thị Thùy Dương, công việc chính là ở ngân hàng nhưng niềm yêu thích sách đã đưa cô đến với những hoạt động nhằm khơi dậy và nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho trẻ.

Với những “hiệp sĩ” đọc ấy, họ tâm niệm “khi chúng ta đặt vào tay đứa trẻ một cuốn sách, ta đã trao cho chúng cơ hội để thay đổi cuộc đời theo cách tốt đẹp hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thổi “luồng gió mới" vào văn hóa đọc: “Truyền lửa” từ mô hình các câu lạc bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.