Ngày 22-11, tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện để đánh giá công tác thi hành luật trên địa bàn Thủ đô, từ đó đưa ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành luật và tạo chuyển biến về trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai Luật Thư viện, các văn bản hướng dẫn thi hành bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Ngay sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Qua 5 năm thi hành, Luật Thư viện đã tạo chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả để phát triển các loại hình thư viện, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Vân Anh, còn nhiều dư địa để các cấp, ngành, địa phương thực hiện Luật Thư viện nhằm phát triển hệ thống, mạng lưới thư viện, từ đó nâng cao văn hóa đọc cho nhân dân Thủ đô.
Theo báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Thư viện trên địa Thủ đô của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, về hoạt động phát triển thư viện và văn hóa đọc, Hà Nội đã kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện; phát triển tài nguyên thông tin, xây dựng và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học...
Cụ thể, kinh phí bổ sung sách hằng năm tăng 19%; số lượng tài nguyên thông tin bổ sung từ khi thi hành luật là trên 13.000 tên sách, bình quân tăng khoảng 20.000 bản sách/năm; 395 loại báo, tạp chí; gần 60.000 trang sách chữ nổi; 55 đĩa CD…
Từ khi thực thi Luật Thư viện, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ; hoạt động phục vụ tạo lập, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện của thành phố được nâng cao; hệ thống thư viện được hiện đại hóa, phát triển thư viện số và liên thông thư viện. Không chỉ thư viện thành phố, hệ thống thư viện ở cơ sở phát triển mạnh, ngày một khang trang; nhiều thư viện tư nhân, tủ sách ra đời và duy trì hoạt động phục vụ cộng đồng hiệu quả…
Đặc biệt, Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành về việc miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn thành phố để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, ra đời, đã thu hút độc giả đến thư viện nhiều hơn…
Tuy nhiên, quá trình thực thi luật còn tồn tại. Một số huyện ngoại thành ở xa trung tâm nên ảnh hưởng đến việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Chính quyền một số huyện, xã chưa thực sự quan tâm thực thi luật… Mạng lưới thư viện cấp huyện, xã, thư viện cộng đồng còn khó khăn về trụ sở, kinh phí hoạt động, nhân lực…
Tại hội nghị, đại diện các Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã; các cán bộ thư viện cơ sở đã có ý kiến về tình hình triển khai Luật Thư viện tại địa phương; nêu những thành tích và đề cập những khó khăn trong việc triển khai, đồng thời có kiến nghị, đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thư viện và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để thực thi hiệu quả hơn trong thời gian tới nhằm đóng góp phát triển văn hóa đọc, nâng cao tri thức cho nhân dân Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.