Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một di sản được dự báo

Quang Huy| 13/04/2016 06:53

(HNM) - Nhằm thúc đẩy

Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter (trái) cùng người đồng cấp Ấn Độ M.Parrikar trên tàu sân bay INS Vikramaditya.


Đây là hai quốc gia quan trọng trong "Chính sách xoay trục" của Washington - nối vành đai an ninh Bắc Mỹ trải dài từ Ấn Độ Dương đến tận Thái Bình Dương.

Vậy Ấn Độ và Philippines có vị trí như thế nào trong chiến lược "xoay trục" của Mỹ? Trước hết, Ấn Độ, ở cửa ngõ của Ấn Độ Dương, là quốc gia có thể giúp Mỹ kết nối xuyên đại dương với các đồng minh như Nhật Bản, Australia. Với vị trí địa - chiến lược như vậy, quan hệ quốc phòng, an ninh Mỹ - Ấn sẽ đem lại lợi thế đáng kể cho xứ Cờ hoa trong quá trình tái cân bằng tại CA-TBD.

Hành động hướng Đông của Washington với điểm đến là Ấn Độ theo người đứng đầu Lầu năm góc là "cú bắt tay chiến lược". Còn với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ - nhất là trong lĩnh vực quốc phòng - sẽ chắp cánh cho khát vọng công nghệ sức mạnh của New Delhi để từ đó củng cố vị thế quốc phòng trước sự khẳng định ảnh hưởng trong khu vực ngày càng rõ của nước láng giềng Trung Quốc. Với những lợi ích chiến lược như vậy, quan hệ đồng minh tự nhiên giữa Mỹ và Ấn Độ là không quá khó hiểu.

Do đó, hợp tác quốc phòng trở thành ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm 3 ngày tới đất Phật của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ngày 11-4, người đứng đầu Lầu năm góc đã thăm căn cứ hải quân Karwar ở bang Karnataka. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cùng người đồng cấp Mỹ đã thảo luận các điều khoản chia sẻ công nghệ, giúp Ấn Độ có thêm tàu sân bay thứ ba do Ấn Độ và Mỹ cùng phát triển. Điều này đáp ứng nhu cầu của New Delhi khi đang có kế hoạch tăng đội tàu vũ trang từ 130 lên 166; trong đó có việc đóng thêm tàu sân bay thứ ba.

Theo ông A.Carter, những hợp tác này giữa hai nước sẽ giúp Ấn Độ trở thành "chủ thể then chốt bảo đảm an ninh khu vực… tương thích với chính sách của Mỹ". Bên cạnh đó, một trong những hợp tác mà Mỹ kỳ vọng sẽ đạt được trong chuyến thăm là Thỏa thuận Hỗ trợ Hậu cần (LSA) sau 12 năm đàm phán. LSA sẽ cho phép quân đội Mỹ và Ấn Độ sử dụng đất liền, không phận và căn cứ hải quân của nhau để tiếp nhiên liệu, sửa chữa và nghỉ ngơi. Nếu LSA giữa Washington và New Delhi thành hiện thực, sẽ là cột mốc quan trọng không chỉ trong "chính sách xoay trục" sang CA-TBD của Nhà Trắng mà còn là bước nối dài chưa từng có trong lịch sử hải quân Mỹ.

Cũng trong hành trình công du Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter sẽ đến Philippines. Và người đứng đầu Lầu năm góc có thể sẽ hoàn tất thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ trở lại đóng quân tại quốc đảo này lần đầu tiên kể từ năm 1992. Theo đó, Washington và Manila đã thông qua danh sách 5 căn cứ ở Philippines để Mỹ luân phiên triển khai quân và chuẩn bị cơ sở vật chất trong khuôn khổ Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA). Đây được xem là một nhân tố quan trọng trong chính sách "xoay trục" của Mỹ tại khu vực. Không chỉ vậy, nếu như Ấn Độ là cửa ngõ nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thì Philippines được nhìn nhận như một điểm nối không thể thiếu trên đại dương giữa các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản, Australia.

Một ví dụ rất có ý nghĩa là vai trò trung tâm của Philippines trong kế hoạch mang tên Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI) do Mỹ đề xướng. MSI nhằm nâng cao năng lực giám sát trên biển của các nước Đông Nam Á xung quanh Biển Đông. Cho dù sáng kiến về một mạng lưới giám sát chung ở Biển Đông vẫn còn sơ khai, nhưng ý tưởng được nêu bật trong sáng kiến này chính là dựa trên Trung tâm giám sát bờ biển của Philippines. Ngay trong lĩnh vực quân sự, cuộc tập trận Balikatan (Vai kề vai) - là thao luyện thường niên, song phương Mỹ - Philippines từ 30 năm qua - đã được mở rộng trong vài năm gần đây để đón nhận Australia (từ năm 2014) và 11 quan sát viên trong năm nay, trong đó có Nhật Bản.

Như vậy, với lựa chọn Ấn Độ và Philippines, chính quyền Tổng thống Barack Obama cho thấy Washington không muốn bỏ lỡ cơ hội để đẩy nhanh chính sách "xoay trục" về CA-TBD. Nếu thành công, đây sẽ là di sản đối ngoại đáng kể mà ông B.Obama để lại cho người kế nhiệm.

Mỹ, Ấn Độ nhất trí bảo đảm an ninh và tự do hàng hải

Ngày 12-4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Carter và người đồng cấp Ấn Độ M.Parrikar đã nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải. Theo tuyên bố chung sau cuộc thảo luận, hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và các chuyến bay trên khắp khu vực, trong đó có Biển Đông. Ngoài ra, hai bên nhất trí trên nguyên tắc về Hiệp định Hỗ trợ Hậu cần. Nếu được ký, thỏa thuận sẽ cho phép quân đội hai nước sử dụng các căn cứ hải - lục - không quân của nhau để tiếp tế, sửa chữa và nghỉ ngơi.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một di sản được dự báo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.