(HNM) - Sự thực là, chuyện một số ngành khi xây dựng văn bản pháp quy thường tính theo hướng thuận lợi cho lĩnh vực của mình không còn là chuyện hiếm. Điều này xuất phát bởi nhiều nguyên nhân, từ vấn đề thông tin, kiến thức, quản lý đến chuyện tâm lý đơn thuần là "ăn cây nào rào cây đó". Thế nhưng, vì bảo vệ "lợi ích ngành" mà đưa ra những "cấm kỵ" như một văn bản của Bộ GD-ĐT mới đây thì là điều hiếm thấy.
Theo các nhà quản lý của ngành giáo dục thì người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. Bằng chứng về việc vi phạm quy chế thi tốt nghiệp THPT phải nộp cho "cơ quan có thẩm quyền" là ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và thanh tra giáo dục các cấp (Thông tư 04 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 26-2-2013 sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013).
Sau một loạt những xìcăngđan của mùa thi năm ngoái thì nguồn cơn khiến Bộ GD-ĐT ban hành quy định lạ đời này chắc không khó giải thích. Nhưng những người lãnh đạo của ngành giáo dục đã khiến dư luận ngỡ ngàng bởi sự kỳ lạ của văn bản, vượt quá thẩm quyền, thậm chí là lạm quyền vì lợi ích của riêng ngành mình.
Khái niệm "lợi ích nhóm" rõ ràng là phát sinh bởi cơ chế thị trường. Có thể đó là lợi ích của nhóm chiếm số đông, mang tính tích cực, nhưng cũng có thể là lợi ích nhóm thiểu số, lợi ích nhóm tiêu cực. Nhưng tiếc là cái "lợi ích nhóm" được nhắc nhiều đến ở Việt Nam thời gian gần đây lại luôn gắn với nghĩa tiêu cực là chủ yếu. Nó không chỉ là vấn đề lợi ích kinh tế trực tiếp, mà còn là cả sự "thâu tóm quyền lực". Ngành giáo dục cũng đang trong guồng quay của quy trình ấy nên có lẽ đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Mà việc ban hành một quy định "ngược đời" nói trên cho thấy rõ một nhóm lợi ích cục bộ của ngành giáo dục. Phát biểu với báo giới ngày 28-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Quả thật việc này không đúng quy định pháp luật, vi phạm quyền tố cáo của công dân.
Trong bài viết nhân Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng: Gần đây, báo chí và dư luận hằng ngày đề cập đến những "nhóm lợi ích", đâu đó có hành vi thâu tóm quyền lực kinh tế làm cho lòng dân không yên. Chủ tịch nước khẳng định: Thực tế đang đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước, chống lại tệ quan liêu, trì trệ, tham nhũng, "lợi ích nhóm" hay lợi ích cục bộ của ngành này, ngành khác; phải có những tiêu chí mới để đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả thực chất, vì lợi ích chung, chứ không phải những quy định mà người ta có thể lợi dụng theo ý muốn của mình.
Dĩ nhiên, ra văn bản trái luật thì Bộ GD-ĐT sẽ phải "sửa sai". Song ở đây vấn đề đặt ra chính là một biểu hiện ngày càng rõ nét của những "nhóm lợi ích" không vì quyền lợi của số đông.
Tại phiên họp Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị "tư duy nhiệm kỳ", tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay "lợi ích nhóm" chi phối... Rõ ràng, "lợi ích nhóm" hay lợi ích không vì số đông cần sớm phải được loại bỏ. Điều ấy đòi hỏi phải được quán triệt ngay từ các cấp quản lý, từ bộ máy hành chính của đất nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.