(HNM) - Thời gian qua, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của Hà Nội cùng với hàng loạt dự án được triển khai đã dẫn đến tình trạng diện tích đất nông nghiệp ở khu vực ngoại thành đang ngày càng bị thu hẹp.
Nguồn thu nhập chính của người dân khu vực ngoại thành chủ yếu được tạo ra từ các sản phẩm trồng trên đất nông nghiệp. Ảnh: Bá Hoạt
Huyện Hoài Đức hiện có nhiều dự án đầu tư nhất Hà Nội. Một số xã như An Khánh, Lại Yên, Kim Chung, Vân Canh gần như đã "xóa sổ" đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho biết, căn cứ Nghị định số 17/2006 và Nghị định 84 của Chính phủ, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, không còn đất sản xuất được hưởng một phần đất dịch vụ trong khu đất quy hoạch tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi để tạo điều kiện sinh sống. Qua thống kê, Hoài Đức có gần 15.000 hộ đủ điều kiện hưởng chính sách này. Nhu cầu về đất dịch vụ của cả huyện khoảng 300ha. Đến nay, Hoài Đức mới thu hồi được 160ha, trong đó đã GPMB được 145ha ở 8 xã, thị trấn. Mới đây, huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt thêm 70ha, diện tích còn thiếu chưa được chấp thuận với lý do trùng với các quy hoạch chung của thành phố. Trong số các dự án có quyết định thu hồi, việc bố trí khu đất dịch vụ quá chậm, nhiều dự án đã bố trí nhưng không xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bỏ hoang cho cỏ mọc. Ở một số xã bị thu hồi đất, nhiều trường hợp đã ngấm ngầm mua đi bán lại, nhưng họ vẫn không biết đất dịch vụ bố trí ở đâu!?
Cũng như Hoài Đức, hàng vạn hộ dân tại các huyện Quốc Oai, Đan Phượng, Mê Linh… mặc dù đủ điều kiện nhưng vẫn phải mòn mỏi chờ được cấp đất dịch vụ. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai cho biết, tiến độ triển khai GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ trên địa bàn huyện chậm và vướng mắc. Những dự án xã được giao làm chủ đầu tư, do cán bộ xã thiếu hiểu biết về xây dựng cơ bản nên lúng túng trong quá trình triển khai. Những dự án do huyện làm chủ đầu tư cũng khó thực hiện bởi thiếu vốn đầu tư, GPMB chậm và do những thay đổi trong khâu quy hoạch. Ông Thành dẫn chứng: "Ban đầu dự án khu dịch vụ Tuần Châu (xã Sài Sơn) quy hoạch 62ha, sau đó chỉ thu hồi 39,9ha, dẫn tới phải mất thời gian dài điều chỉnh chỉ giới đường đỏ và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khớp nối với các khu liền kề".
Người dân bị mất đất nông nghiệp chỉ mong sớm được giao đất dịch vụ để ổn định cuộc sống. Chính quyền các huyện, thị xã cũng muốn đẩy nhanh các dự án đất dịch vụ, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và thuận lợi trong việc quản lý, sử dụng đất đai. Nhiều huyện, thị xã đang gặp khó do thiếu vốn đầu tư. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, trong trường hợp huyện thu toàn bộ kinh phí giao đất dịch vụ cho dân và phần ngân sách thành phố cấp bù đối với những dự án xây dựng công trình công cộng và thu từ các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu đô thị, công nghiệp, Hoài Đức vẫn thiếu khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ. Huyện đang rà soát các dự án đề nghị tạm ứng vốn của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, một phần sử dụng nguồn ngân sách thành phố cấp và tạm thu 50% kinh phí của dân được giao đất. Song, phương án này khó khả thi vì người dân không có khả năng đóng góp. Tại huyện Quốc Oai, sau khi hợp nhất về Hà Nội, nhiều dự án công nghiệp, đô thị phải nằm chờ rà soát, do đó cơ sở để người dân có đất dịch vụ hay không cũng chưa thể nắm chắc. Ông Nguyễn Trung Thành đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm có kết quả rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn huyện để tiếp tục triển khai các dự án xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ. Tương tự, các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức… cũng đang chờ thống nhất cụ thể về quy hoạch vì nhiều dự án đất dịch vụ được xác định vị trí từ trước khi có quy hoạch chung của thành phố. Để khắc phục sự chậm trễ trong quá trình thực hiện các dự án đất dịch vụ, ông Nguyễn Quí Mạnh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng đề xuất, thành phố nên hỗ trợ ngân sách để có thêm nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đất dịch vụ. Các địa phương đã có mặt bằng sạch cần khẩn trương xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nếu để lâu, kinh phí phát sinh tăng, rất khó bảo đảm hạ tầng cho các khu đất dịch vụ. Người dân nhiều huyện ngoại thành đồng tình với chủ trương thu hồi đất cho đô thị công nghiệp nhưng rất mong cơ quan chức năng sớm giải quyết đất dịch vụ theo quy định để họ yên tâm bảo đảm cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.