(HNMO) - Diễn ra trong 3 ngày (9 - 11/12), triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP Việt Nam” kết hợp “Không gian trình diễn ánh sáng làng nghề” tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ đã để lại dấu ấn tốt đẹp không chỉ với người dân Thủ đô mà còn cả du khách trong và ngoài nước.
Theo đại diện ban tổ chức, “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP” là chương trình phát triển vùng bắt nguồn từ Nhật Bản, được khởi xướng tại quận Oita vào năm 1979. Mỗi làng sẽ lựa chọn sản xuất một sản phẩm cạnh tranh như một doanh nghiệp để đạt được doanh thu cao và cải thiện mức sống cho các cư dân. OVOP được đánh giá là mô hình rất thành công tại các nước có nhiều làng nghề truyền thống.
Tại Việt Nam, Hà Nội là đơn vị đi đầu với ý tưởng tổ chức triển lãm OVOP gắn với chủ đề thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ. Với tiêu chí “thiết kế sáng tạo” đã được đề ra ngay từ khi xây dựng đề án, OVOP Việt Nam được xác định là một triển lãm thật sự ấn tượng và mang đẳng cấp quốc tế, thể hiện sự sáng tạo của sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Việt nói chung và Thủ đô nói riêng.
Không gian đẹp mắt và ấn tượng
Đúng như kỳ vọng của những người tổ chức, phần lớn người dân đến với triển lãm OVOP Việt Nam ngạc nhiên và đánh giá cao “Không gian trình diễn ánh sáng làng nghề”, gồm hơn 30 chủng loại đèn với khoảng 5.000 sản phẩm trang trí. Điểm đặc biệt là toàn bộ các sản phẩm trang trí này được sản xuất tại các làng nghề (đèn mây tre đan, đèn sơn mài, đèn lụa...), trong đó có nhiều mẫu do chuyên gia nước ngoài thiết kế.
“Mỗi lần tới với phố đi bộ lại là một lần được trải nghiệm những cái hay, cái lạ” - đó là nhận xét chung của người dân tham gia triển lãm.
Gia đình anh Sơn (Đống Đa) có mặt tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ từ sớm. Đã nhiều lần đưa cả nhà đến phố đi bộ nên anh cảm thấy khá bất ngờ trước không gian được bài trí đẹp mắt và mới lạ. “Sau những ngày làm việc mệt mỏi, tôi chỉ mong muốn tìm được một nơi như vậy để cùng cả gia đình thư giãn và tận hưởng cuộc sống”, anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn biết đến triển lãm này qua lời kể của một người hàng xóm, cũng đã tham quan không gian trưng bày trong đêm khai mạc. “Sau khi nghe giới thiệu, tôi đã tìm hiểu thêm thông tin qua các báo đài và được biết đây là một sự kiện có quy mô lớn. Tuy nhiên, phải chứng kiến tận mắt mới có thể cảm nhận được sự kỳ công và tâm huyết của ban tổ chức”.
Không gian đẹp mắt và độc đáo trở thành lớp học vẽ của các em nhỏ. |
Như những người đã sinh sống ở Thủ đô lâu năm, các du khách nước ngoài - ban đầu còn khá lạ lẫm bởi sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa - đã nhanh chóng hòa mình vào không gian nô nức như lễ hội. Dù tình cờ có mặt tại khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ hay đã lên kế hoạch tham quan từ trước, họ đều coi đây là một cơ hội hiếm có để tìm hiểu về những nét tinh hoa của Thủ đô Hà Nội và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa trong ngày cuối tuần yên bình.
Khu vực triển lãm thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài. |
Alexia và Karine (Pháp) đã đi du lịch tại nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, và cũng có dịp ghé thăm nhiều địa danh ở Việt Nam như Hội An, Cần Thơ. Trong lần đầu tiên đến Hà Nội và tình cờ có mặt tại khu vực triển lãm, cả 2 đều cảm thấy may mắn và háo hức khi được trải nghiệm một sự kiện có quy mô lớn.
“Không biết nên diễn tả như thế nào, nhưng cảm giác của chúng tôi thực sự rất khác biệt. Không gian tại đây như một ngôi làng thu nhỏ với không khí trong lành và những cư dân thân thiện, niềm nở. Họ như đang tận hưởng từng giây phút bình yên của Hà Nội. Bên cạnh đó, phong cách trang trí ở đây cũng rất lạ mắt, khác hẳn với những nơi mà chúng tôi đã từng tới trước đây", hai du khách người Pháp phấn khởi nói.
Hai nữ du khách Alexia và Karine tới từ Pháp. |
Triển lãm chuyên nghiệp và đầy sức sáng tạo
Sức hút của triển lãm không chỉ nằm ở không gian đẹp mắt mà còn ở chính những sản phẩm được các đơn vị mang đến giới thiệu và bày bán.
Bà Tuyết (Thái Bình) chia sẻ: “Trước đây tôi từng là sinh viên khoa văn trường đại học Sư phạm Hà Nội, tốt nghiệp năm 1975, đến nay đã hơn 40 năm. So với thời ấy, Hà Nội đã đổi khác rất nhiều, nhộn nhịp và lộng lẫy hơn. Tôi rất thích ý tưởng tổ chức triển lãm này bởi ngay cả người Việt Nam đôi khi cũng còn khá lạ lẫm với những sản phẩm truyền thống hoặc muốn tìm mua nhưng lại không biết đâu là địa chỉ tin cậy. Theo tôi, đây là cách làm táo bạo và đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng”.
Nhận xét về khu vực triển lãm, 2 du khách Jo và Matt (Anh) lại quan tâm hơn tới chất lượng của các gian hàng trưng bày và ý tưởng tổ chức chương trình. Jo chia sẻ: “Tôi và Matt đã ở Hà Nội 4 tháng và có nhiều kỷ niệm đẹp tại đây. Không khí tại triển lãm khiến chúng tôi nhớ về các hội chợ mừng Giáng sinh và năm mới tại Anh".
Hai du khách người Anh cho rằng, các gian hàng được bày bán khá chuyên nghiệp và bắt mắt. Bên cạnh đó, họ cũng có thể dễ dàng chọn được món đồ phù hợp bởi hầu hết những người bán hàng đều nói được tiếng Anh hoặc có các thông tin chỉ dẫn và giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh. "Khó khăn duy nhất của tôi là có quá nhiều sản phẩm đẹp mắt khiến tôi phải đắn đo rất lâu để lựa chọn”, Jo nói.
Nhiều gian hàng in tờ rơi quảng cáo và giới thiệu sản phẩm cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. |
Mô hình cần nhân rộng
Chị Hoàng Anh tại gian hàng Ando cho biết so với những lần bày bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm khác, gian hàng của Ando lần này có doanh thu cao hơn hẳn. Cửa hàng lúc nào cũng tấp nập, trong đó có rất nhiều người là khách nước ngoài.
Các gian hàng luôn tấp nập người mua sắm, tham quan. |
“Không phải ai ghé qua gian hàng cũng mua sản phẩm. Dù vậy, họ cũng đã biết đến thương hiệu và các mặt hàng được bày bán. Đây là điểm đáng mừng và khích lệ chúng tôi khi mang các sản phẩm tới triển lãm” - chị Hoàng Anh chia sẻ.
Đại diện gian hàng Lansonsilk cũng nhận định đây là cơ hội để các nhà sản xuất quảng bá sản phẩm của mình. Những mặt hàng được bày bán tại triển lãm này đều đã được lựa chọn kỹ càng và chăm chút rất kỳ công về khâu đóng gói và bài trí. Đại diện gian hàng bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn mô hình như vậy thường xuyên được thực hiện và mở rộng như một "điểm hẹn" cho khách du lịch và người dân Thủ đô khi muốn mua các sản phẩm làng nghề có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp và mang nét đặc trưng của Hà Nội”.
Đánh giá về triển lãm “Mỗi làng một sản phẩm”, Alexia và Karine cho rằng không chỉ riêng Hà Nội mà các địa phương khác của Việt Nam cũng nên tổ chức theo mô hình tương tự. Hai du khách cho rằng: “Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là điểm du lịch hấp dẫn và khá nổi tiếng. Bên cạnh việc tham quan các địa danh nổi tiếng hay thưởng thức những món ăn ngon, khách du lịch như chúng tôi luôn mong muốn nhìn thấy điều gì đó mới mẻ hơn, mang lại nhiều dấu ấn đặc sắc hơn cho chuyến đi”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.