(HNM) - Tình hình chiến sự ngày càng leo thang nghiêm trọng tại thành phố Aleppo (Syria) sau khi thỏa thuận ngừng bắn đột ngột đổ vỡ cho thấy viễn cảnh hòa bình tại quốc gia Trung Đông này càng mờ mịt.
Một khu phố ở miền Đông thành phố Aleppo bị tấn công hôm 21-9. |
Các cuộc không kích, pháo kích dữ dội của quân đội Syria và lực lượng đồng minh tại khu vực phía Đông Aleppo những ngày qua đã khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng, bị thương. Chính phủ Syria tuyên bố sẽ tiếp tục siết chặt vòng vây truy quét quân khủng bố tại Aleppo và khẳng định đây chỉ là “khúc dạo đầu” cho tấn công bộ binh quy mô lớn. Chiến dịch quân sự mới nhất nhằm vào Aleppo được cho là cuộc chiến trên bộ lớn chưa từng có trong cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua tại Syria, đồng thời như một sự báo hiệu cho trận đánh cuối cùng nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược quan trọng này sắp bắt đầu.
Là thành phố lớn nhất và trung tâm kinh tế quan trọng nhất của Syria, Aleppo có tầm quan trọng đặc biệt. Đối với Chính phủ Syria, giành lại được Aleppo đồng nghĩa với việc có được hành lang bảo đảm an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây - được xem là “căn cứ địa” của lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, cộng đồng sắc tộc Alawite. Từ bàn đạp Aleppo, quân đội Syria cũng sẽ có điều kiện thuận lợi mở các cuộc tấn công nhằm thẳng vào Raqqa, “thủ đô” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đánh chiếm các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát. Quan trọng hơn, nếu chiếm được Aleppo khi đã được Nga bảo trợ, Tổng thống B.Al-Assad đương nhiên sẽ trở thành là một chủ thể trong các cuộc đàm phán về hòa bình của Syria sau này. Nói cách khác, việc giải phóng Aleppo sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của quân đội chính phủ là lực lượng này tuy có thể dễ dàng giành được quyền kiểm soát các khu vực bằng hỏa lực của Nga nhưng sau đó lại gặp nhiều khó khăn để giữ các vị trí đã giành được. Nhiều ý kiến quan ngại rằng thực tế này có thể khiến họ không đủ sức áp đặt kết cuộc cho Aleppo. Kết quả khi đó sẽ là bế tắc, đem lại tàn phá và chết chóc nhiều hơn cho quốc gia Trung Đông này.
Trước tình hình trên, tối 25-9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức họp khẩn. Phiên họp diễn ra trong bầu không khí căng thẳng khi Mỹ và nhiều nước Châu Âu cùng chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Syria. Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre và Đại sứ Anh Matthew Rycroft khẳng định, tội ác chiến tranh đang xảy ra ở Aleppo và việc sử dụng các loại vũ khí hóa học, bom thùng, sử dụng người dân làm lá chắn sống đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Những gì đang xảy ra ở Syria là không thể tồi tệ hơn nữa. Trong khi đó, đại diện thường trực Nga tại LHQ, Vitaly Churkin cáo buộc phía Mỹ đã không có khả năng buộc các nhóm đối lập Syria mà Washington ủng hộ thực hiện lệnh ngừng bắn cũng như không tách được các nhóm ôn hòa ra khỏi các nhóm khủng bố. Ông V.Churkin tuyên bố vào thời điểm này, đem lại hòa bình cho Syria gần như là nhiệm vụ không thể thực hiện. Trên lãnh thổ Syria có hàng trăm nhóm vũ trang hoạt động, bất kỳ ai cũng có thể ném bom Syria. Rõ ràng lệnh ngừng bắn thất bại đã thúc đẩy các nhóm nổi dậy có cơ hội hoạt động mạnh mẽ hơn.
Cùng với đó, Mỹ và Nga đã không đạt được nhất trí về khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria bên lề khóa họp 71 Đại hội đồng LHQ diễn ra tại New York. Một lần nữa, sự khác biệt về quan điểm đã khiến các nước lớn không thể tìm được giải pháp chung trong cuộc khủng hoảng Syria. Trên thực tế, đã từng có nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều sáng kiến được áp dụng. Nhưng tất cả đều chết yểu do bất đồng về lợi ích giữa các nước lớn. Đơn giản là bởi Nga và Mỹ, hai quốc gia trong vai trò “đầu tàu” giải quyết khủng hoảng Syria đều có những tính toán riêng và cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt ở quốc gia này. Việc Nga mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria, với lý do hỗ trợ quốc gia Trung Đông này chống khủng bố, đã không được Mỹ hào hứng đón nhận. Sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, sự suy giảm tầm ảnh hưởng và thế buộc phải đối đầu với các quốc gia khác khiến Nga trở nên cương quyết và cứng rắn hơn. Nhưng nó cũng khiến Mỹ phải cân nhắc hành động để không tụt lại đằng sau trong cuộc đua giành ảnh hưởng địa chính trị. Vì thế, cả Nga và Mỹ rất khó tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria, và điều đó khiến cho mọi việc vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”.
Khi trận chiến tại Aleppo vẫn khốc liệt và chưa phân thắng bại, chỉ có người dân Syria là phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất của chiến tranh với một tương lai mù mịt và ngập tràn bóng tối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.