Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở hướng nuôi trồng thủy sản hữu cơ

Ngọc Quỳnh| 12/10/2022 07:04

(HNM) - Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội tương đối lớn và các hợp tác xã, nông dân tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhằm tăng giá trị cho sản phẩm, tạo nguồn thực phẩm sạch, nâng cao thu nhập cho người dân, phương pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ đang được thành phố quan tâm, hỗ trợ...

Mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn tại xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Nga

Theo ông Đoàn Ngọc Khuyên ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì), từ khi gia đình chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ (năm 2015), cá sinh trưởng, phát triển tốt, giảm rủi ro, dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường. Với diện tích 3,5ha, trước đây, gia đình ông Khuyên nuôi theo phương pháp truyền thống chỉ thu hoạch được 10-15 tấn cá/năm, từ khi chuyển sang nuôi theo hướng an toàn, năng suất đạt 25-30 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt hơn 4.000ha, sản lượng thủy sản đạt 37.260 tấn/năm. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Đến nay, Ứng Hòa đã có 15 mô hình nuôi thủy sản "sông trong ao" tại các xã: Trầm Lộng, Liên Bạt... Các mô hình này đều kiểm soát được môi trường nuôi, đạt giá trị kinh tế cao...

Đánh giá về hiệu quả các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, Hà Nội có tiềm năng nuôi trồng thủy sản lớn với diện tích 24.000ha. Thời gian qua, các hộ đẩy mạnh nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì… cho năng suất gấp 6-8 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, đạt trung bình 3,5 tỷ đồng/ha/năm. Không chỉ nâng cao chất lượng cá thương phẩm, các mô hình này còn giảm được rủi ro từ dịch bệnh…

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn vẫn còn một số khó khăn như: Đầu ra bấp bênh, chưa xây dựng được thương hiệu, ít chuỗi liên kết đưa sản phẩm thủy sản an toàn vào các kênh phân phối hiện đại... Đề đạt giải pháp tháo gỡ ở góc độ người nuôi thủy sản, ông Lê Văn Lâm ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) mong muốn, các ngành chức năng hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật, vốn, đặc biệt quan tâm xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm hữu cơ qua kênh phân phối hiện đại.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản theo hướng VietGAP và hữu cơ nhằm đạt giá trị kinh tế cao hơn...

Nói về định hướng phát triển lĩnh vực này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, giai đoạn 2022-2025, Hà Nội định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tại 6 huyện, trong đó: Khoảng 47ha tại huyện Mỹ Đức; 43ha tại huyện Ba Vì; 2 huyện: Quốc Oai, Phú Xuyên - mỗi địa phương phát triển 22ha; 21ha tại huyện Chương Mỹ; 5ha tại huyện Phúc Thọ. Trước mắt, ngành Nông nghiệp triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại các địa phương có lợi thế để từng bước nhân rộng.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố ban hành một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Về lâu dài, các huyện, thị xã cần chú trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nuôi trồng thủy sản theo lợi thế, hằng năm bố trí ngân sách thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, qua đó tạo nguồn thực phẩm sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu thủy sản Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở hướng nuôi trồng thủy sản hữu cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.