Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để vụ nuôi trồng thủy sản mới bội thu

Ngọc Quỳnh| 15/02/2023 06:19

(HNM) - Sau khi thu hoạch sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thời điểm này, nông dân Hà Nội đang bắt tay vào vụ nuôi trồng thủy sản mới phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp Thủ đô, nông dân, hợp tác xã cần chuyển sang nuôi thủy sản theo hướng an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Quang

Sản xuất theo tín hiệu thị trường

Theo ông Lê Hữu Lập, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì), năm 2022, thủy sản tiêu thụ bấp bênh, giá cả lên xuống, trong khi đó chi phí thức ăn thủy sản tăng cao. Hiện nay, thời tiết thuận lợi, gia đình ông đã cải tạo diện tích 5,5ha nuôi trồng thủy sản để vào vụ mới, thả nuôi theo nhu cầu thị trường và nuôi rải vụ để thời điểm nào trong năm cũng có cá thu hoạch. Thực tế cho thấy, thủy sản chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP có giá trị cao hơn so với quy trình thông thường 10-20% nên gia đình ông sẽ phát triển theo hướng này.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ngọc Động, xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) Lê Văn Tín cho biết, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hợp tác xã bán hàng chục tấn cá ra thị trường. Do giá bán không cao trong khi chi phí đầu vào tăng nên thu nhập đạt thấp. Để bảo đảm nguồn cung ra thị trường, bước vào vụ nuôi mới với diện tích 1ha, hợp tác xã vừa sản xuất, vừa nghe ngóng tín hiệu thị trường để sản xuất hiệu quả, bảo đảm có lãi.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản hiện nay trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, năm 2022 nuôi trồng thủy sản của Hà Nội phát triển ổn định với diện tích đưa vào nuôi là 24.000ha, tổng sản lượng đạt 123.108 tấn, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng giống đạt 1,350 triệu cá bột các loại. Hiện nay, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Oai, Thanh Trì..., các hộ nông dân đang huy động phương tiện, nhân lực tập trung cải tạo, nạo vét, xử lý môi trường nước chuẩn bị điều kiện để bước vào vụ nuôi mới.

Tạo cơ chế hỗ trợ

Bước vào vụ nuôi trồng thủy sản mới, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đối mặt với nỗi lo về giá cả, khi giá con giống, hóa chất dùng để cải tạo, xử lý môi trường hồ nuôi, thức ăn thủy sản... đều tăng so với năm trước. Mặt khác, thủy sản chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả bấp bênh; các hợp tác xã, hộ nông dân chưa xây dựng được thương hiệu nên không thể bán trực tiếp cho các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích với giá cao...

Theo ông Bạch Văn Hộp, xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), để nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để giảm chi phí sản xuất; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng giá bán ra thị trường.

Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì Đào Văn Quân thông tin, cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chuẩn bị ao nuôi và kỹ thuật nuôi cá cho nông dân, thời gian tới, trạm sẽ hướng dẫn người nuôi sử dụng máy quan trắc môi trường để điều chỉnh các yếu tố trong ngưỡng phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cá; yêu cầu, các hộ nuôi thường xuyên theo dõi các dấu hiệu hoạt động, kiểm tra, ngăn ngừa các nguồn có thể phát sinh mầm bệnh, kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp... qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Để nuôi trồng thủy sản năm 2023 đạt hiệu quả cao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nắm bắt tình hình cải tạo ao, đầm, diện tích nuôi, lượng giống thả…; yêu cầu các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình nuôi; khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, như: Công nghệ "sông trong ao", nuôi thâm canh với các đối tượng chép, trắm cỏ, rô phi...

Cùng với việc tạo cơ chế hỗ trợ nông dân về hóa chất, chế phẩm sinh học khử trùng môi trường ao nuôi tại vùng nuôi thủy sản tập trung, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố có chính sách hỗ trợ về khoa học kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng đồng bộ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương rà soát các diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả, chuyển sang mô hình kết hợp cá - lúa hoặc chuyên cá nằm trong quy hoạch và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn để kiểm soát dịch bệnh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao…”, ông Tạ Văn Tường cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tăng cường công tác dự báo thị trường và liên kết với các tỉnh, thành phố trong việc tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các huyện tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, hợp tác xã để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, cửa hàng tiện ích…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để vụ nuôi trồng thủy sản mới bội thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.