(HNM) - Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, diện tích nuôi biển của cả nước đạt 85.000ha, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,3%/năm với 8,9 triệu mét khối lồng nuôi.
Tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè; đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá giò...); đã hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (ốc hương, tu hài, bào ngư, hàu cửa sông...).
Về Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1604/QĐ-TTg ngày 4-10-2021 với chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi đạt 10,0 triệu mét khối, sản lượng đạt 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta cần đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, công nghiệp nuôi biển trở nên quan trọng trong ngành thủy sản, đóng góp trên 25% tổng sản lượng; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu trên, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa ngành nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, xác định nuôi biển không đơn thuần là nuôi cá, mực..., mà là nuôi sự đa dạng sinh học của đại dương, do vậy, các địa phương cần tạo sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đồng thời góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.