(HNM) - Từ tháng 1-2013 tới tháng 5-2016, dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) đã triển khai tại hơn 4 nghìn trường tiểu học trên cả nước. Dự án đã kết thúc, song ở nhiều địa phương, VNEN vẫn tiếp tục được nhân rộng, mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà trường trong hành trình nỗ lực vì học sinh, nâng cao
Khắc phục nhiều hạn chế
Mô hình trường học mới được hỗ trợ và thiết kế triển khai thành công ở nhiều nước đang phát triển, đã được UNESCO và chuyên gia giáo dục quốc tế khuyến cáo chọn thử nghiệm tại Việt Nam. VNEN được Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai theo quan điểm lựa chọn những nội dung phù hợp, những cách làm hay của các nước trên cơ sở bảo đảm kế thừa những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, "đừng thần thánh hóa các yếu tố của VNEN, mà nên coi đó đơn giản là những gì lâu nay Ngành GD-ĐT mong muốn và đã thực hiện, nhưng thực hiện chưa tới, chưa mạch lạc, chưa kết nối thành một mô hình cụ thể". Lâu nay, Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, nhưng có giai đoạn, có nơi, chúng ta mới chỉ tập trung trang bị kiến thức, những yếu tố cần thiết khác của học sinh chưa được coi trọng đúng mức. VNEN góp phần hỗ trợ các nhà trường khắc phục hạn chế này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Mô hình trường học mới tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong số hơn 4 nghìn trường tiểu học áp dụng VNEN trên cả nước, có 1.447 trường triển khai theo chương trình dự án, số trường còn lại tự nguyện đăng ký áp dụng toàn phần theo mô hình này. Không chỉ được áp dụng ở cấp tiểu học, trong năm học 2015-2016, VNEN còn triển khai ở cấp THCS với sự tham gia của hơn 1.500 trường học. Điều đó cho thấy sức lan tỏa, tính thuyết phục của mô hình mới đối với các nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục dần những hạn chế, bất cập của cách thức giáo dục truyền thống. Theo đó, ở mô hình trường học mới, vai trò, trách nhiệm của giáo viên được điều chỉnh từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức các hoạt động dạy học, hướng dẫn học sinh tiếp cận kiến thức bằng cách chủ yếu tự nghiên cứu, tự tìm tòi, thảo luận… Học sinh từ chỗ thường xuyên thụ động nghe giảng, chép bài, phát biểu ý kiến, nay đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu, học hỏi để tiếp cận, chiếm lĩnh kiến thức, từ đó hình thành kỹ năng. Cha mẹ học sinh không chỉ đóng góp các nguồn lực phục vụ việc học tập, mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục học sinh…
Tại hội nghị tổng kết dự án mô hình trường học mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Dù triển khai trong thời gian ngắn nhưng VNEN đã tạo bước chuyển quan trọng về nhận thức và cách thức thực hiện nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Mô hình mới tiếp cận, hội tụ nhiều yếu tố của đổi mới giáo dục và dần khắc phục được những hạn chế của mô hình giáo dục truyền thống, điển hình là việc không tổ chức dạy học đồng loạt mà dạy học hướng đến sự phù hợp và phát triển năng lực của từng học sinh; đổi mới cách đánh giá học sinh, coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.
Tiếp tục triển khai VNEN
Trước thềm năm học 2016-2017, từ quyết định dừng triển khai mô hình trường học mới ở một số địa phương - điều gây băn khoăn trong dư luận xã hội về ý nghĩa, hiệu quả của VNEN, Bộ GD-ĐT đã chính thức có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc này. Trước hết, việc dừng triển khai là vì thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, mặc dù VNEN có nhiều điểm tích cực, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, song, việc áp dụng VNEN chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương, khiến cho việc triển khai còn khó khăn. Ngoài ra, việc triển khai VNEN chưa đem lại hiệu quả mong muốn còn do nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên chưa đầy đủ, cơ sở vật chất thiếu thốn, sĩ số học sinh/lớp đông…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn xác nhận những bất cập nói trên và thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến đóng góp về việc này. Nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm của mô hình trường học mới, năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT khuyến khích các nhà trường đang triển khai VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện với nguyên tắc vì quyền lợi của học sinh. Các trường còn lại có thể lựa chọn những thành tố tích cực của VNEN để triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh.
Tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: Điều kiện ở nhiều trường học của Hà Nội phù hợp cho việc áp dụng mô hình trường học mới và thực tế triển khai cho thấy, VNEN đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của học sinh. Vì vậy, năm học 2016-2017, Hà Nội tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình trường học mới tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Theo đó, 114 trường tiểu học đã triển khai toàn phần VNEN từ năm học trước, năm nay vẫn tiếp tục. Ngoài ra, còn có hàng trăm trường tiểu học vẫn áp dụng từng phần của VNEN theo điều kiện thực tế. Có nơi áp dụng cách thức tổ chức lớp học, nơi lựa chọn đổi mới phương pháp đánh giá học sinh, nơi đầu tư nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn, hoặc ưu tiên cho đổi mới hoạt động quản lý nhằm tăng quyền tự chủ, tạo điều kiện cho giáo viên chủ động, giảm bớt áp lực từ quản lý hành chính… Còn với cấp THCS, ngoài 9 trường đã tham gia thử nghiệm mô hình mới từ năm học trước, năm học mới dự kiến sẽ có thêm 5 trường THCS gia nhập "đội hình VNEN" của Hà Nội. Sở GD-ĐT khuyến khích các nhà trường chủ động nghiên cứu, lựa chọn cách thức tiếp cận VNEN sao cho phù hợp, thiết thực, đạt hiệu quả cao nhất trong việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.