Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Còn nhiều thách thức

Tuấn Khải| 21/02/2019 07:39

(HNM) - Việc Việt Nam vừa được Cục Hàng không Liên bang Mỹ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) được coi là sự công nhận của quốc tế về an toàn hàng không.

Nhân lực ngành Hàng không Việt Nam ngày càng được chuẩn hóa. Ảnh: Tân Sơn


Đề cập tới ý nghĩa của việc đạt được CAT 1, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu nhà chức trách hàng không của quốc gia được phê chuẩn CAT 1 thì các hãng hàng không của quốc gia đó được quyền mở đường bay đến Mỹ. Nếu đang bay đến Mỹ thì tiếp tục được tăng chuyến. Còn nếu đang bay đến Mỹ mà bị đánh giá lại và không đạt CAT 1, ngoài việc không được tăng chuyến còn phải chịu chế tài giám sát đặc biệt của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.

Vì vậy, đạt CAT 1 là điều kiện cần để các hãng hàng không của Việt Nam mở đường bay đến Mỹ. Thứ hai, đạt CAT 1 cũng giúp tạo thuận lợi rất lớn cho hãng hàng không Việt Nam trong hợp tác liên danh với hãng hàng không của Mỹ trên các máy bay của Việt Nam. Thứ ba, quan trọng hơn, đây là khẳng định sự công nhận của quốc tế. Việt Nam đã hội nhập thành công và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của quốc tế, khẳng định vị thế, uy tín không chỉ của ngành Hàng không Việt Nam, mà của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.

Đạt được CAT 1 rất khó khăn, nhưng để duy trì được CAT 1 còn khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ thị trường hàng không đang phát triển mạnh, số lượng máy bay, sân bay và lưu lượng hoạt động bay ngày càng tăng. Trong khi đó, yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ đòi hỏi nhà chức trách hàng không phải thường xuyên tăng cường năng lực quản lý của mình.

Riêng về nguồn nhân lực, nhân sự về giám sát chuyến bay, giám sát an toàn bay... thì số lượng, chất lượng phải tăng lên nhằm đáp ứng tốc độ phát triển của các hãng hàng không. Đây thực sự là một thách thức rất lớn và chính một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã từng đạt tiêu chuẩn CAT 1, nhưng trong quá trình theo dõi đã bị hạ bậc. Chính vì xác định nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi để duy trì CAT 1, Cục Hàng không Việt Nam đã thông qua chương trình bổ sung, tăng cường và nâng cao nguồn nhân lực của Cục.

Như vậy, để vào được thị trường Mỹ, các hãng hàng không Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Về mặt thương mại trong những giai đoạn đầu phải gánh lỗ ở mức cao, thậm chí quá sức. Thứ hai, do đường bay tới Mỹ có cự ly xa nên máy bay mà các hãng Việt Nam hiện có như Boeing 787, hay A350-900 muốn bay tới phải giảm tải, hoặc phải qua một điểm dừng. Để bay thẳng được đầy tải phải đầu tư những dòng máy bay mới như Boeing 777, hoặc Airbus A350 ULR loại mới sắp ra mắt. Đây là những dòng máy bay chuyên khai thác bảo đảm hiệu quả trên đường bay dài.

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, là hãng hàng không quốc gia, hãng xem việc mở đường bay tới Mỹ là nhiệm vụ chính trị nên được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Mặc dù chưa có đường bay thẳng, nhưng từ năm 1996 Vietnam Airlines đã có hợp tác với các hãng hàng không để nối chuyến và có các sản phẩm trên các đường bay tới Mỹ. Hiện, Vietnam Airlines có các chuyến bay liên danh với Delta Airlines từ Việt Nam tới các sân bay ở Nhật Bản qua châu Âu rồi đến 15 điểm ở Mỹ. Khi Cục Hàng không Việt Nam đạt CAT 1 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ, Delta Airlines có thể thực hiện các chuyến bay liên danh trên máy bay của Vietnam Airlines, nên việc mở rộng độ bao phủ các chuyến bay liên danh giữa 2 hãng đến thị trường Mỹ rất lớn.

Theo tính toán, Vietnam Airlines sẽ bay tới Los Angeles với tần suất 4 chuyến/tuần, sau đó là các chuyến bay thường nhật tới bờ Tây nước Mỹ. Đây là nơi có cộng đồng người Việt lớn và cũng là nơi các đối tác hàng không của Vietnam Airlines đặt sân bay căn cứ.

Tuy nhiên, thời điểm phù hợp để bắt đầu khai thác đường bay thẳng vẫn đang được hãng nghiên cứu. Nếu phương án khai thác có một điểm dừng thì chi phí và thời gian bay tăng lên nhiều, nên không bảo đảm tính cạnh tranh. Kế hoạch của các nhà sản xuất máy bay là sớm nhất đến năm 2022 mới có loại máy bay có những thay đổi về mặt kỹ thuật thích hợp để bay thẳng đủ tải tới Mỹ. Vì vậy, từ giờ tới thời điểm có máy bay mới, kế hoạch của Vietnam Airlines là tiếp tục mở rộng nối chuyến và liên danh với các hãng hàng không Mỹ.

Bày tỏ hào hứng với việc Cục Hàng không Việt Nam đạt được CAT 1, đại diện hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet Air cho biết đã có kế hoạch mở đường bay tới thị trường quan trọng này. Theo ông Đặng Tất Thắng - Tổng Giám đốc Bamboo Airways, hãng vừa vượt qua AOC (Giấy chứng nhận Người khai thác máy bay) khắt khe nhất từ trước đến nay theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và tiếp tục sẽ đạt được chứng chỉ An toàn khai thác IOSA trong năm 2019. Trong năm nay sẽ có một số máy bay thân rộng gia nhập đội bay và năm 2020 Bamboo Airways sẽ có đường bay thẳng tới Mỹ. Hãng hàng không Vietjet Air cho biết sẽ chọn California là điểm đến đầu tiên tại Mỹ sau khi được phép, đồng thời sẽ sử dụng các loại máy bay lớn như B787s, A350s.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở đường bay thẳng tới Mỹ: Còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.