(HNMO) - ViewSonic vừa chính thức giới thiệu mô-đun cảm biến chạm số hóa mới dành cho các máy giao dịch tài chính bằng hình ảnh (VTM: Virtual Teller Machine). Nhờ thế, các hệ thống giao dịch ngân hàng với người dùng sẽ có thể được tích hợp thêm tính năng chữ ký điện tử (e-signature) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và bổ sung chức năng so với hiện nay.
Việc bổ sung khả năng xác nhận chữ ký số đem lại nhiều ứng dụng mới cho các máy truy cập dịch vụ ngân hàng như VTM. |
VTM viết tắt của từ Video Teller Machine (máy giao dịch hình ảnh). Đây là Máy Giao dịch ngân hàng hiện đại với khả năng cho phép người dùng tương tác bằng hình ảnh. Khách hàng có thể tới các hệ thống này để giao dịch trực tiếp với ngân hàng thay vì phải có mặt tại các chi nhánh theo mô hình truyền thống
Tương tự như máy ATM (Automation Teller Machine), VTM cho phép khách hàng giao dich tự động. Điểm vượt trội, mà công nghệ mang lại, đó là khách hàng có thể tương tác với ngân hàng thông qua kênh Video. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống OMNI-Channel, tức là hệ thống có thể triển khai đầy đủ các kênh giao dịch.
Cơ cấu thiết bị hỗ trợ chữ ký điện tử cho VTM mà ViewSonic vừa công bố. |
Được thiết kế để cung cấp đầy đủ tùy chọn hỗ trợ cho mà khách hàng đã quen dùng tại các chi nhánh trụ sở địa phương, bản thân VTM cũng được cho là công nghệ hứa hẹn khả năng tạo đột phá trong hoạt động ngân hàng bán lẻ nhờ những ưu điểm, khả năng bảo mật và tính năng vượt trội so với các máy ATM quen thuộc hiện nay.
Theo thông tin từ ViewSonic, các mô-đun mới của họ có kích thước khá đa dạng (từ 5 inch đến 21,5 inch), cung cấp chức năng quét chữ ký sinh trắc học bằng bút độc quyền không dùng pin (V Pen), tạo thuận lợi cho ngành tài chính thực hiện việc chụp, quét và xác thực chữ ký điện tử trong các hoạt động giao dịch của mình.
Hình dựng thử thiết bị VTM tích hợp cơ cấu nhận diện chữ ký số mới. |
Về mặt kĩ thuật, với khả năng hiển thị hình ảnh chính xác đến 200 điểm ảnh/giây (PPS) và 5.080 dòng/inch (LPI), mọi chi tiết của mỗi chữ ký sẽ đều được chụp lại chính xác và hiển thị trên màn hình. Trong khi đó, bút V Pen (không dùng pin) sẽ có độ nhạy đủ tốt để tạo ra các chữ ký mực mô phỏng kèm các cấp độ an ninh bảo mật cao hơn (thứ chỉ phiên bàn chữ ký số hóa hoàn toàn mới có được). Ngoài ra, các mô-đun cảm ứng số hóa chạm này cũng tương thích với các công nghệ cảm ứng quang học hoặc cảm ứng điện dung PCT, hỗ trợ được cả tính năng chạm kép (dual-touch).
Đi kèm sẵn bộ công cụ phát triển và lập trình (SDK và API), các giải pháp nói trên có thể được triển khai vào bất kỳ môi trường điện toán nào với các tính năng giúp các quầy ngân hàng phục vụ suốt ngày đêm mà không bị giới hạn về giờ giấc, địa điểm, nhân sự - theo cách giao dịch truyền thống tại các chi nhánh ngân hàng. Đối với chính ngân hàng, giải pháp mới có thể giảm đáng kể thời gian phục vụ kèo dài, tiết kiệm chi phí hoạt động, tăng doanh thu đồng thời nâng cao sự hài lòng từ phía khách hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.