(HNM) - Tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn là hai vấn đề lớn và
Người dân cần nâng cao ý thức, góp phần hạn chế tình trạng tắc đường. Ảnh: Như Ý |
Mới đây, giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đã thừa nhận còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông. Với góc nhìn của một công dân, tôi cho rằng: Giảm ùn tắc giao thông hiện nay tuy là một trong hai vấn đề lớn, song không phải khó thực hiện. Đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông không phải là một vấn đề then chốt như đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng, mà nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông mới là vấn đề then chốt, vì đầu tư lớn nhưng công tác quản lý không tốt cũng sẽ không mang lại hiệu quả. Để giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần thực hiện tốt chức trách của mình theo quy định của pháp luật; nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đặc điểm của từng thành phố, đồng thời tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm túc các giải pháp đó. Đối với người dân, cần nâng cao ý thức của mình, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định pháp luật khi tham gia giao thông; đi đúng làn đường, không vượt đèn đỏ, không cố vượt lên trước khi đang có dấu hiệu tắc đường, không lấn chiếm phần đường dành cho xe được phép rẽ phải hoặc trái… "Đừng vội 10 giây để rồi bị chậm cả đời"!
Với trách nhiệm công dân, tôi xin đề xuất cơ quan chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung giải pháp sau:
Một là: Tổ chức phân làn cho xe ô tô trên toàn bộ các tuyến phố chính, tuyến phố thường xuyên ùn tắc, tiến tới thực hiện trên toàn bộ các tuyến phố trong nội thành (trước mắt chưa áp dụng với xe máy). Giải pháp này, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội đã và đang triển khai song cần toàn diện, quyết liệt và triệt để hơn để dần tạo thói quen cho người tham gia giao thông. Theo đó, các loại xe ô tô chỉ được cơ động trên một hoặc hai làn, tùy theo tính chất, đặc điểm của từng tuyến đường và quy định của cơ quan chức năng; biển báo phân làn không nên bố trí ở giữa đường như thành phố Hà Nội hiện nay. Thực hiện giải pháp này, xung đột giữa các phương tiện tại các điểm giao nhau sẽ giảm mạnh, hiện tượng ùn tắc sẽ giảm.
Hai là: Tổ chức lại việc cấm dừng, cấm đỗ xe ô tô trên các tuyến phố, bảo đảm chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp. Tại các tuyến phố chính, tuyến đường chiều rộng hạn chế, thường xuyên ùn tắc cần tổ chức cấm dừng, cấm đỗ vào các khung giờ nhất định: có thể từ 6h30 đến 19h00 hằng ngày, hoặc chỉ cấm trong giờ cao điểm từ 6h30 - 8h30 sáng, từ 16h30 - 19h00. Thực hiện giải pháp này, các tuyến phố thường xuyên ùn tắc sẽ thông thoáng hơn, khả năng cơ động của các loại phương tiện sẽ tốt hơn, hiện tượng ùn tắc sẽ được hạn chế. Hiện nay, tổ chức bố trí hệ thống biển báo cấm dừng - đỗ xe trên địa bàn nội thành Hà Nội chưa hợp lý, không linh hoạt, một số tuyến phố lớn, có mặt đường rộng hoặc đường trong khu chung cư không bao giờ ùn tắc song vẫn bố trí biển cấm dừng - cấm đỗ.
Ba là: Tiếp tục cấm, tiến tới xóa bỏ toàn bộ các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè tại các tuyến phố trong khu vực nội thành. Thực hiện giải pháp này, bước đầu sẽ gây khó khăn cho các chủ phương tiện, song về lâu dài sẽ có tác động tích cực tới việc giảm ùn tắc giao thông; đường phố sẽ thông thoáng hơn; thiếu điểm trông giữ xe, người dân sẽ phải cân nhắc khi muốn mua xe hoặc sử dụng ô tô đi vào nội thành. Tuy nhiên, về lâu dài thành phố cần triển khai nhanh phương án xây dựng nhiều điểm trông giữ xe thông minh tại các vị trí thích hợp với giá dịch vụ cao.
Bốn là: Cấm các loại phương tiện chở hàng cồng kềnh đi vào trung tâm thành phố trong các khung giờ cao điểm. Theo đó, các loại xe đạp, xe máy, xe ô tô chở rau, chở biển quảng cáo, xe chở vật liệu xây dựng… không được cơ động tại khu vực nội thành trong các khung giờ cao điểm từ 6h30 - 8h30 sáng và từ 16h30 - 19h00. Trường hợp nào vi phạm sẽ bị phạt tiền kết hợp với tạm giữ phương tiện tại chỗ (lề đường), hết giờ cao điểm mới được đi.
Năm là: Sử dụng lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp điều hành giao thông vào giờ cao điểm kết hợp với tín hiệu đèn giao thông. Vì vào thời điểm này số lượng phương tiện rất đông, mật độ giao thông từ các hướng đường thường khác nhau nên hiệu quả hoạt động của hệ thống tín hiệu đèn rất hạn chế. Thời gian vừa qua, tại một số điểm giao nhau, lực lượng cảnh sát giao thông thường chỉ có mặt ở một vị trí thuận lợi để quan sát và chặn bắt những người vô tình hoặc cố ý vi phạm luật giao thông; việc đứng ra điều hành, hướng dẫn chỉ diễn ra trong một số trường hợp, hoặc hiện tượng ùn tắc đã xảy ra.
Sáu là: Có chế tài xử phạt nghiêm khắc, hình thức linh hoạt đối với các chủ phương tiện cố tình vi phạm luật giao thông. Đây là giải pháp có tính quyết định, tác động trực tiếp vào ý thức tham gia giao thông của người dân.
Để việc xử phạt được thuận lợi, nhanh chóng, có tính bền vững cơ quan chức năng cần có quy định mang tính bắt buộc: các chủ phương tiện là ô tô phải mở tài khoản cá nhân tại các ngân hàng của Nhà nước có tên là "Tài khoản bảo lãnh tham gia giao thông" với một khoản tiền phù hợp (thấp nhất là 20 triệu đồng). Tài khoản này có thể được tính lãi như sổ tiết kiệm và chỉ được sử dụng phục vụ cho việc xử phạt khi vi phạm luật giao thông; khi số tiền trong tài khoản không còn đủ cho việc xử phạt chủ phương tiện phải nộp thêm vào dưới sự giám sát của cảnh sát giao thông và hỗ trợ thông tin của ngân hàng; khi không sử dụng xe nữa, chủ phương tiện có thể rút ra hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng tùy theo ý định cá nhân. Quá trình thực hiện, cảnh sát giao thông bố trí lực lượng cơ động thường xuyên trên các tuyến phố, chủ phương tiện nào vi phạm, cảnh sát chỉ cần ghi biên lai với đầy đủ thông tin, một phần đưa cho chủ phương tiện (có thể dán vào xe khi không có mặt của chủ phương tiện), một phần gửi về ngân hàng để xử phạt. Sau khi hoàn tất thủ tục xử phạt, ngân hàng sẽ thông báo cho chủ phương tiện biết số tiền đã bị khấu trừ.
Thực hiện giải pháp này sẽ tạo thuận lợi cho công tác xử phạt và quản lý phương tiện của cơ quan chức năng, vì khi chuyển nhượng các chủ phương tiện sẽ phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ thu được một khoản tiền thuế rất lớn từ việc chuyển nhượng phương tiện.
Bảy là: Cấm sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, tập kết, trưng bày hàng hóa trên tất cả các tuyến phố. Giải pháp này các thành phố đã triển khai song không đồng bộ, không kiên quyết, thiếu tính thống nhất.
Tám là: Từng bước hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, giảm mật độ dân cư trong khu vực nội thành. Đây là giải pháp có tính chiến lược lâu dài, các thành phố lớn cần nghiên cứu có phương án và lộ trình phù hợp. Trước mắt, hai thành phố cần thắt chặt công tác đăng ký hộ khẩu với những quy định hợp lý, thực hiện nhanh lộ trình dịch chuyển một số trường đại học, bệnh viện ra các quận - huyện ngoại thành; hạn chế việc cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có số lượng người lao động cao; quỹ đất còn lại, kể cả khu đất "vàng" nên để xây dựng các trung tâm dịch vụ, không nên xây dựng chung cư cao tầng sẽ làm gia tăng dân số trong khu vực nội thành.
Chín là: Thực hiện tốt công tác quản lý và có chế độ phụ cấp đặc biệt cho lực lượng chức năng trực tiếp giám sát, điều hành giao thông. Thực tế, lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông luôn làm việc trong điều kiện khó khăn, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, họ cần được quản lý chặt chẽ và xứng đáng được quan tâm nhiều hơn để họ toàn tâm, toàn ý cho công việc. Ngoài ra cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn đối với những cán bộ suy giảm phẩm chất đạo đức; tham ô, tham nhũng, coi thường pháp luật, trục lợi cá nhân.
Trên đây là nhóm các giải pháp cơ bản nhằm làm giảm ùn tắc giao thông trong giai đoạn hiện nay và sau này. Nếu cơ quan chức năng tổ chức thực hiện triệt để, đồng bộ, quyết liệt, đúng pháp luật thì vấn đề ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn sẽ được giải quyết. Mấu chốt hiện nay vẫn là "Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về vấn đề giao thông".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.