Giao thông

Giải pháp nào giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội? Bài 3: Phải ưu tiên hạ tầng cho vận tải công cộng

Tuấn Lương 13/03/2024 06:40

Do diễn biến ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp, kéo dài trên diện rộng, đã có những ý kiến lo ngại, chỉ vài năm tới, từ khu vực đường Vành đai 3 trở vào nội đô thành phố Hà Nội sẽ tắc nghẽn.

Theo các chuyên gia giao thông, để giải “bài toán” ùn tắc, các cấp chính quyền thành phố cần quyết liệt ưu tiên hạ tầng cho vận tải công cộng, từ đó giúp giảm phương tiện cá nhân.

van-chuyen-hanh-khach.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã phát huy hiệu quả cao trong vận chuyển hành khách. Ảnh: Tuấn Khải

Xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức

Chỉ sau hơn hai năm chính thức đi vào vận hành thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã phát huy hiệu quả rất cao. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, tỷ lệ chạy tàu đúng giờ đạt 99,9%, các lượt vận hành đều bảo đảm an toàn. Vào ngày bình thường, tuyến vận chuyển 35.000-36.000 hành khách; ngày cuối tuần vận chuyển 24.000-26.000 hành khách. Tỷ lệ hành khách sử dụng vé tháng bình quân trong ngày khoảng 70%; trong giờ cao điểm lên tới 80%. Giờ cao điểm, sản lượng vận chuyển đạt 6.000-8.000 hành khách/giờ.

Là hành khách thường xuyên sử dụng đường sắt đô thị để đi làm, chị Phạm Thị Yến (phường Phúc La, quận Hà Đông) chia sẻ: “Nhanh, tiện lợi, văn minh, an toàn là cảm nhận về đường sắt đô thị. Nếu như giai đoạn đầu, hành khách chủ yếu là những người đi trải nghiệm thì hiện nay, lượng khách đi lại trên tuyến chủ yếu là sinh viên, công chức, viên chức đặc biệt là những người sống dọc hành lang tuyến”.

Hà Nội đang quyết tâm xây dựng mạng lưới vận tải đa phương thức, trong đó, đường sắt đô thị là “xương sống” của mạng lưới vận tải công cộng.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Hà Nội đã quy hoạch 10 tuyến với tổng cộng 418km đường sắt đô thị. Ngoài tuyến Cát Linh - Hà Đông, sắp tới thành phố vận hành đoạn trên cao của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, dài 8,5km. Để thực hiện được nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2035 hoàn thành 50% và đến năm 2045 hoàn thành 100% đường sắt đô thị, Hà Nội phải thiết lập một đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40 tỷ USD, tức gần 1 triệu tỷ đồng. Ngoài việc nghiên cứu các nguồn lực thực tế, thành phố đang tập trung xem xét khả năng đầu tư công và thiết lập các cơ chế đầu tư mới.

Cần quyết tâm chính trị mạnh mẽ

Rõ ràng, phát triển vận tải công cộng chính là một trong những giải pháp trọng yếu để giải “bài toán” ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn và tốc độ triển khai các dự án đường sắt đô thị còn chậm, dự kiến, trong khoảng 10 năm tới, xe buýt vẫn là loại hình chủ lực của hệ thống vận tải công cộng Thủ đô.

Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, chia sẻ: “Đã có ý kiến cho rằng, tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa không hiệu quả, song tôi nhìn thấy quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo thành phố, được thể hiện một cách mạnh mẽ và duy trì lâu dài, thông qua việc bảo đảm cho tuyến BRT hoạt động suốt từ năm 2017 đến nay. Có thể nói, tuyến BRT này là tuyến duy nhất, nhưng thể hiện được rõ nét nhất việc dành quyền ưu tiên cho giao thông công cộng. Số người sử dụng xe buýt sẽ tăng mạnh hơn nữa, nếu loại phương tiện này được ưu tiên khi lưu thông trên đường”.

Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, không ít trường hợp, ùn tắc phát sinh từ việc dừng đỗ xe thiếu ý thức, tạo thành những nút thắt cổ chai trong giờ cao điểm. Nhiều trường hợp khác cố tình không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông… Vì vậy, lực lượng chức năng nên tăng cường kiểm tra, xử phạt, nhất là phạt “nguội”, để từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Đây là công việc có thể làm ngay và rất cần thiết.

Về lâu dài cần ưu tiên mặt đường cho xe buýt và đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, cụ thể là các tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Yên Viên - Ngọc Hồi... Đồng thời xem xét việc bố trí dân cư và quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ có đủ dung lượng, phù hợp với dân số giữa các khu vực.

Đồng quan điểm phải ưu tiên hạ tầng cho xe buýt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội (HAPTA) Nguyễn Trọng Thông nêu, theo tính toán, xe buýt có thể đáp ứng được trên 34% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô nhưng hiện nay mới đạt khoảng 18% vì không có đường dành riêng, tốc độ di chuyển chậm hơn xe máy, người dân tiếp cận với xe buýt chưa thuận tiện. Xe buýt tốc độ khai thác trung bình hiện mới đạt 14-15km/giờ.

HAPTA kiến nghị thành phố cần nghiên cứu bố trí đường dành riêng cho vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng trên những trục, tuyến đường đủ điều kiện nhằm kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân. Đồng thời tổ chức giao thông tiếp cận để người sử dụng phương tiện công cộng được thuận tiện, an toàn. Kiểm tra, giám sát và xử lý mọi hành vi chiếm dụng làn đường dành riêng cho các tuyến vận tải công cộng, chiếm dụng nhà chờ, điểm dừng, vỉa hè gây cản trở cho người bộ hành tiếp cận với hệ thống vận tải công cộng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội? Bài 3: Phải ưu tiên hạ tầng cho vận tải công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.