Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh tay xử lý “cát tặc”

Mai Hữu - Đỗ Minh| 03/08/2018 06:30

(HNM) - Hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP Hà Nội đang gây mất an toàn cho nhiều đoạn đê, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự.


Thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh

Đêm 27-7 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an huyện Đông Anh bắt quả tang một tàu vỏ thép không có số hiệu, trọng tải 300 tấn đang thực hiện hành vi hút cát dưới lòng sông thuộc địa phận xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Lái tàu là Đặng Văn Chung, phụ lái là Nguyễn Văn Sáng (cùng ở tỉnh Bắc Ninh). Tại thời điểm bắt giữ, lái tàu không xuất trình được giấy đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy và giấy tờ liên quan.

Trước đó, ngày 11-7-2018, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy - Công an TP Hà Nội bắt quả tang 4 tàu đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng (đoạn giáp ranh giữa quận Tây Hồ và huyện Đông Anh). Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, để bắt giữ 4 tàu này, lực lượng chức năng đã huy động 5 phương tiện đặc chủng cùng 30 cán bộ, chiến sĩ mật phục từ nhiều hướng trong điều kiện đêm tối, mưa gió, nước sông Hồng lên cao. Tuy nhiên, không chỉ bắt giữ tàu và đối tượng là đã hoàn thành nhiệm vụ mà phải đưa được tàu vi phạm về bãi tập kết thì kế hoạch, phương án đánh "cát tặc" mới hoàn tất, bởi chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể gây thiệt hại về người và tài sản.

Một phương tiện khai thác cát trái phép bị Công an TP Hà Nội bắt giữ.


Nhận định về thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép, Trung tá Đỗ Thế Dự, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP Hà Nội) phân tích, các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, thậm chí còn bố trí cả tàu để cảnh giới lực lượng chức năng. Thời gian hoạt động chủ yếu vào đêm khuya, ở những vị trí khuất, hẻo lánh, khu vực giáp ranh, thời điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.

Đơn cử, theo UBND xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn), thời gian gần đây xảy ra hiện tượng tàu hút cát có sức chứa 30-50m3, hoạt động lén lút trong đêm tối và tập kết lên bãi chứa ven sông thuộc địa bàn xã Thụy Lâm, Xuân Nộn (huyện Đông Anh). Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẵn sàng vứt bỏ máy móc, thiết bị xuống sông hoặc đánh đắm cả tàu để phi tang.

Đáng lưu ý, trong đêm 11-7, tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) đã xảy ra vụ “cát tặc” chém người dân khi họ yêu cầu không hút cát tại khu vực bãi sông gần nơi người dân sinh sống.

Bám địa bàn quyết liệt xử lý

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trên các tuyến sông của thành phố có 10 vị trí khai thác cát, tập trung chủ yếu trên sông Hồng, trong đó 8/10 vị trí có giấy phép. Hiện nay, tình trạng bơm hút, khai thác cát không phép, trái phép diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi, nhất là trong mùa mưa bão. Đồng thời gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Nhằm ngăn chặn, không cho các phương tiện không có giấy phép hoạt động, nhiều sở, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Cụ thể, huyện Phú Xuyên đã thành lập chốt liên ngành gồm 32 thành viên thuộc các phòng, ban chức năng, UBND các xã, thị trấn để tuần tra, kịp thời phát hiện và tham mưu UBND huyện xử lý vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Công an TP Hà Nội cũng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố, làm việc với 15 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Thường Tín, Phú Xuyên để chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động bãi chứa ven sông.

Thượng tá Dương Đức Hải cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội, các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã đã tập trung nâng cao chất lượng nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh, tổ chức mật phục, bắt quả tang hành vi khai thác, tập kết, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi. Đồng thời, lực lượng công an bố trí phương tiện, cán bộ, chiến sĩ kiên quyết đưa các tàu vi phạm về nơi tập kết để tạm giữ, phục vụ công tác xử lý. Đối với các tàu tự đóng, không đăng ký, đăng kiểm đều được xử lý dứt điểm.

Cũng theo Thượng tá Dương Đức Hải, trên cơ sở quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự trên lĩnh vực đường thủy nội địa giữa Hà Nội và 8 tỉnh có địa bàn giáp ranh, Công an thành phố chủ động trao đổi thông tin về tình hình địa bàn, hoạt động của các đối tượng, xây dựng phương án kiểm tra, bắt giữ, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông vùng tiếp giáp, bảo đảm không trống địa bàn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn thành phố đã xảy ra 103 vụ khai thác cát trái phép, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên hoạt động khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, nhất là tại các địa bàn giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay xử lý “cát tặc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.