(HNM) - Ngày 22-9, Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 số 1 của Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Qua kiểm tra, bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm túc vẫn còn cơ sở vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thời gian tới, các hoạt động kiểm tra sẽ được đẩy mạnh nhằm xử lý, ngăn chặn bánh trung thu kém chất lượng "tuồn" ra thị trường.
Phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm
Chỉ còn khoảng một tuần nữa là đến Tết Trung thu, nên thời điểm này, xưởng sản xuất bánh trung thu Hương Trà nằm sâu trong một ngõ trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) bận rộn hơn để kịp cho ra lò những mẻ bánh nướng, bánh dẻo phục vụ người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Thanh Hằng, chủ xưởng sản xuất bánh trung thu Hương Trà cho biết: “Mỗi ngày xưởng sản xuất 100-200 chiếc bánh, phân phối cho 2 cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Quá trình sản xuất, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.
Thế nhưng, qua kiểm tra trên thực tế tại xưởng sản xuất bánh này, Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 số 1 của Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn nhận xét, xưởng sản xuất chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, không có kho chứa nguyên liệu, điều kiện vệ sinh chưa bảo đảm. Nhân viên dùng tay trần nặn nhân bánh. Phía sau xưởng sản xuất này là một rãnh nước thải...
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, xưởng sản xuất bánh Hương Trà đã hoạt động nhiều năm, nhưng không bảo đảm đầy đủ các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm là không thể chấp nhận được. Ngay sau buổi kiểm tra này, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm của quận Tây Hồ phải ra văn bản xử lý vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời định rõ thời gian để cơ sở khắc phục tồn tại.
Thời điểm này, trên địa bàn quận Tây Hồ có 20 cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài, thời gian qua, các đoàn kiểm tra của quận đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bánh trung thu với số tiền hơn 20 triệu đồng. Riêng Đội Quản lý thị trường số 11 đã phối hợp với Công an thành phố Hà Nội xử phạt 4 triệu đồng một điểm tập kết hàng lậu, đồng thời tiêu hủy 500 bánh trung thu không rõ nguồn gốc. “Tuy nhiên, một số cơ sở chống đối bằng cách đóng cửa, không cho Đoàn kiểm tra vào khu vực kinh doanh, khiến công tác kiểm tra gặp khó khăn”, ông Phạm Xuân Tài nói.
Trước đó, Đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2020 số 1 đã phối hợp với quận Đống Đa kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu cổ truyền Bà Dần (ở số nhà 126, ngõ 554, đường Trường Chinh, quận Đống Đa). Tại đây, Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở khẩn trương thiết kế lưới chắn côn trùng, bố trí thêm giá kệ để nguyên liệu. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt nhấn mạnh, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng quận đã kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu chủ cơ sở khắc phục những tồn tại. Dù cơ sở sản xuất quy mô lớn hay sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Sau Tết Trung thu vẫn tăng cường kiểm tra
Tết Trung thu năm nay, hơn 600 đoàn kiểm tra từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường kiểm tra chất lượng bánh trung thu. Qua kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung đánh giá, bên cạnh những cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại một số cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho chứa…
Ông Trần Văn Chung đề nghị, từ nay đến Tết Trung thu, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh kiểm tra cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu và các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp này. Ngoài ra, công tác kiểm tra cần tiếp tục kéo dài sau Tết Trung thu để xử lý nghiêm các trường hợp "tuồn" bánh trung thu hết hạn sử dụng ra thị trường. Việc các cơ sở kinh doanh, sản xuất có thái độ chống đối không hợp tác với đoàn kiểm tra, cần phải có biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm minh.
Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn lưu ý, qua kiểm tra, các địa phương cần phải tăng cường việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi kiểm tra cơ sở kinh doanh, bày bán sản phẩm, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ cần giao cho đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; sau đó, phối hợp với các địa bàn - nơi quản lý cơ sở sản xuất để tiếp tục kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.