Tết Trung thu đang đến gần, kéo theo đó là nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu tăng cao. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, gần một tháng qua, các sở, ngành liên quan, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ...
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 200 cơ sở sản xuất bánh trung thu...; hơn 2.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và địa điểm kinh doanh bánh trung thu, mặt hàng phục vụ Tết Trung thu. Đồng thời, có trên 20 khách sạn, chủ yếu là khách sạn từ 4 đến 5 sao sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và sản phẩm biếu tặng nhân dịp Tết Trung thu, tập trung trong thời gian cao điểm từ rằm tháng Bảy đến rằm tháng Tám. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu, từ ngày 28-8 đến 5-10, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở nêu trên.
Theo báo cáo nhanh kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2023 của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, tính đến ngày 7-9, các đoàn kiểm tra chuyên ngành của các sở, ngành có liên quan; đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện, thị xã đã tổ chức kiểm tra 342 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh trung thu và những loại thực phẩm được sử dụng nhiều vào dịp Tết Trung thu.
Qua kiểm tra có 263 cơ sở đạt yêu cầu; 57 cơ sở vi phạm bị xử phạt với tổng số tiền hơn 322 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy 13.300 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cũng trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra tiến hành lấy 26 mẫu thực phẩm, bánh trung thu để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả có 14/26 mẫu đạt; 12 mẫu bánh trung thu hiện chưa có kết quả.
Riêng Sở Y tế Hà Nội, dịp này cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ngành Y tế Thủ đô tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất bánh trung thu. Đây là những khách sạn đòi hỏi yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm rất cao và quy trình chặt chẽ. Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức của người sản xuất bánh trung thu.
“Qua kiểm tra, nhiều nơi đã triển khai nghiêm túc quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số cơ sở, vấn đề vệ sinh vẫn tồn tại hạn chế. Lý do là có những khách sạn ở khu vực trung tâm thành phố với diện tích chật hẹp nên việc bố trí quy trình sản xuất bánh trung thu chưa bảo đảm khép kín một chiều. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi đã hướng dẫn khách sạn khắc phục ngay những lỗi tồn tại, từ đó kịp thời ngăn chặn, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Dịp Tết Trung thu năm nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và các quận, huyện, thị xã triển khai đợt cao điểm kiểm tra thị trường bánh trung thu từ ngày 29-8 đến hết ngày 30-9. Sau gần một tháng ra quân, đơn vị liên tục phát hiện và thu giữ số lượng lớn bánh trung thu nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đơn cử như ngày 14-9 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm), phát hiện 122.100 sản phẩm bánh trung thu nhập lậu các loại.
Trước đó, ngày 31-8, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 đường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đã phát hiện một lượng lớn bánh trung thu nhãn hiệu Lava Custard Mooncake do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ nhập khẩu...
Cảnh giác với những loại bánh “siêu rẻ”
Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng các loại bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu của người dân càng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh “trôi nổi” trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm nêu trên không được kiểm soát chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, nhiều loại bánh trung thu được rao bán với giá siêu rẻ. Đơn cử như loại bánh Lava Bibizan mini trứng chảy có các vị socola, sữa, trứng muối, hạt sen... có giá 7.500 đồng/chiếc và hạn sử dụng lên tới 3 tháng. Hay có những loại bánh được bán theo set. Nếu mua 1 set bánh 55-60 cái, giá 199.000 đồng thì trung bình mỗi chiếc bánh chỉ khoảng 3.300-3.600 đồng… Đa phần, đây là các loại bánh nhập ngoại, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; không có nguồn gốc xuất xứ, thông tin liên quan đến thành phần, chất lượng.
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian từ nay đến Tết Trung thu, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất và cung cấp bánh trung thu. Để bảo đảm an toàn, người tiêu dùng chỉ nên chọn mua sản phẩm ở những cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, các thương hiệu có uy tín, được cấp phép, tuyệt đối không mua các loại bánh có giá rẻ bất thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.