(HNM) - Tuy 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại đạt xuất siêu, song kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm, trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm tới 2 con số so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần triển khai các giải pháp mạnh hơn nữa để chặn đà giảm tốc xuất khẩu.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng “tỷ USD“ giảm tốc
Theo Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Phân tích kỹ hơn, Bộ Công Thương cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết nhóm hàng đều giảm. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 3,88 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước; riêng xuất khẩu thủy sản giảm 32,9%. Cùng với đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước giảm 9,8%, đạt 42,97 tỷ USD và chiếm 86,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong nhóm hàng này, xuất khẩu của nhiều mặt hàng nhóm “tỷ USD” giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 6,87 tỷ USD, giảm 13,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 1,6%; hàng dệt may ước đạt 4,55 tỷ USD, giảm 19,6%; giày dép các loại ước đạt 2,76 tỷ USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 34,8%...
Điểm sáng là xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,42 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng nhẹ (4,3%) trong 2 tháng đầu năm 2023, ước đạt 626 triệu USD. Dù vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng trên chỉ có thể giúp số liệu kim ngạch xuất khẩu không bị giảm sâu hơn con số 10,4%.
Về thị trường, hàng hóa xuất khẩu tới Hoa Kỳ giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) giảm 4,2%; các nước Đông Nam Á (ASEAN) giảm 8%; Hàn Quốc giảm 5,7%; Nhật Bản giảm 5,9%...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, suy giảm xuất khẩu đã diễn ra từ những tháng cuối năm 2022 và được dự báo tiếp tục trong những tháng đầu năm nay. Nhập khẩu giảm sút, trong đó nguyên liệu cho sản xuất, ngược với chu kỳ những năm trước, là tín hiệu cho thấy hoạt động sản xuất gặp khó khăn.
Bộ Công Thương phân tích, suy giảm xuất, nhập khẩu đến từ cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Theo đó ở trong nước, tháng 1-2023 có 2 kỳ nghỉ Tết, số ngày làm việc trong tháng ít nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt thấp; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào và logistics toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp… Ở ngoài nước, suy thoái kinh tế diễn ra, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lượng hàng tồn kho cao tại các thị trường, nhiều quốc gia gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại…, vì thế doanh nghiệp thiếu đơn hàng. “Việc suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến sản xuất và xuất khẩu nhanh hơn dự kiến”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Nỗ lực tìm kiếm thị trường mới
Để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, tham mưu, đề xuất các khung khổ hợp tác, giải pháp để vừa phát triển thị trường truyền thống vừa tìm kiếm thị trường mới. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyền thống. Khu vực Bắc Âu, Đông Âu, châu Mỹ… là thị trường còn nhiều dư địa khai thác. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tranh thủ sự hồi phục nhanh của thị trường ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu. “Bộ Công Thương sẽ đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu, hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời, thúc đẩy đàm phán FTA mới (như với các nước khối Mercosur gồm: Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để tạo động lực khai thác thị trường Mỹ Latinh. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhằm tìm nhiều hướng, nhiều kênh để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam vào Brazil và các nước Nam Mỹ. Còn Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia Lê Phú Cường thông tin, Malaysia thiếu hụt nguồn cung nội địa, hình thức bán lẻ phát triển ngày một nhanh; thu nhập của người dân có xu hướng tăng cao, với yêu cầu sản phẩm chất lượng cao; người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Malaysia lớn là cơ hội để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của Trung Quốc, Australia…
Từ góc nhìn khác, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, gắn với các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là sự phát triển của thương mại điện tử. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí, cần được doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn để vượt qua khó khăn hiện nay. Còn Giám đốc Phát triển thị trường Alibaba.com Việt Nam Vũ Thế Tùng khuyến nghị, khi tham gia thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực như nhân sự và tài chính để đầu tư đúng và trúng, đem lại hiệu quả cao trong xuất khẩu hàng hóa xuyên biên giới trên các nền tảng thương mại điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.