(HNM) - Trong khi Châu Âu và thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng và suy thoái thì Mỹ Latin lại tỏ ra khá điềm tĩnh với những kế hoạch và giải pháp đối phó của mình.
Ngày 11-12, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) khẳng định, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực này, nhưng chưa tới mức lo ngại và Mỹ Latin có thể đứng vững.
Kinh tế Mỹ Latin ổn định bởi sự phát triển tốt của lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Trong báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế năm nay, ECLAC chỉ rõ khu vực Mỹ Latin và Caribe sẽ đạt mức tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức dự kiến (tăng 2,2% của kinh tế thế giới), nhưng thấp hơn so với kết quả 4,3% đạt được trong năm ngoái. Thư ký điều hành ECLAC, bà Alicia Bárcena cho biết, "điểm sáng" của kinh tế Mỹ Latin và Caribe trong năm 2012 phải kể đến tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị giảm từ 6,7% năm 2011 xuống 6,4%, trong khi đầu tư tăng bình quân với mức 4%. Đặc biệt, một số nước như Chile, Bolivia, Ecuador, Peru, Uruguay và Venezuela đạt mức tăng trên 10%.
Thực tế, sự tăng trưởng mạnh mẽ tại những nền kinh tế tốt nhất khu vực Mỹ Latin những năm gần đây đã tạo động lực lớn. Nhiều tòa nhà cao chọc trời liên tiếp xuất hiện tại thủ đô Bogota (Colombia) để cung cấp các văn phòng và không gian bán lẻ cần thiết cho một nền kinh tế đang tăng trưởng ấn tượng. Đó là những hình ảnh khó có thể thấy được ở Châu Âu lúc này. Tăng trưởng GDP của Mexico - điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài - đang vượt quá mức dự đoán. Brazil, quốc gia đã vượt Anh để giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới cũng vừa công bố gói kích thích kinh tế trị giá 66 tỷ USD cùng với những khoản tiền được đầu tư để chuẩn bị cho World Cup 2014 và Olympic 2016.
Dường như sự phát triển của kinh tế Mỹ Latin đang khác xa so với Châu Âu - khu vực kinh tế đang ngập trong khủng hoảng tài chính, trì trệ với những giải pháp "thắt lưng buộc bụng" và dấn sâu hơn vào suy thoái. Có thể thấy, sau nhiều thập kỷ tiếp diễn khủng hoảng kinh tế, các nước Mỹ Latin đã học được từ những sai lầm trong quá khứ và đã khắc chế khá thành công sự thiếu cân bằng tài chính; đồng thời đưa lạm phát vào vòng kiểm soát. Sự điều chỉnh các chính sách lớn đã khiến khu vực trở nên mạnh mẽ hơn trong bối cảnh không thể hoàn toàn tránh khỏi sự tác động từ bên ngoài. Gần đây, nhiều quốc gia trong khu vực nhận được sự khen ngợi của Liên hợp quốc (LHQ), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) về nỗ lực thiết lập những khoản dự trữ lớn, bên cạnh đó là duy trì các khoản nợ công ở mức thấp ấn tượng.
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những tác động của thị trường tài chính toàn cầu lên khu vực Mỹ Latin. Theo ECLAC, khủng hoảng tài chính tại Châu Âu, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng khiêm tốn của kinh tế Mỹ đã tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Mỹ Latin và Caribe, khiến tổng kim ngạch chỉ tăng 1,6% trong năm nay so với mức 22,3% của năm ngoái. Kinh tế của Brazil và Argentina - hai nước chiếm tới 41,5% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đã tăng trưởng chậm lại. Dẫu vậy, các chuyên gia dự báo năm tới, bất chấp những khó khăn của kinh tế Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, Mỹ Latin và Caribe sẽ đạt tăng trưởng 3,8%, do kinh tế Brazil và Argentina phục hồi và một số nước tại khu vực duy trì được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Rõ ràng, bức tranh khu vực Mỹ Latin tươi sáng hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.